Vừa qua, một đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe tại Đồng Nai đã có văn bản gửi đến Bộ GTVT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tổ chức đào tạo trực tuyến môn lý thuyết lái xe đường bộ.
Theo đơn vị này, căn cứ nội dung quy định tại khoản I điều 2 Thông tư 33/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: “Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn là hình thức đào tạo nghề nghiệp không tập trung theo đó người học chủ yếu tự học qua các học liệu (giáo trình, băng hình, ứng dụng đa phương tiện trên các thiết bị điện tử, bằng việc sử dụng các thiết bị các phương tiện nghe nhìn, phát thanh, truyền hình, các tổ hợp truyền thông đa phương tiện, mạng Internet) dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà giáo, nhà trường. Việc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn có thể thực hiện đối với từng môn học, mô - đun, tín chỉ hoặc có thể thực hiện đối với cả chương trình đào tạo”.
Một đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe ở Đồng Nai đề xuất học lý thuyết lái xe online. Ảnh: TN |
Đồng thời căn cứ nội dung quy định tại khoản I điều 8 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT: "Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với các hạng A4, B1 phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo”.
Căn cứ nội dung quy định tại điểm a khoản 3 điều 1 Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 3 điều 1 Thông tư 04/2022 như sau: "Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1); bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe".
Đơn vị này phân tích: Đối với các căn cứ trên thì việc tổ chức dạy, học các môn lý thuyết, môn học pháp luật giao thông đường bộ dưới hình thức đào tạo trực tuyến đối với các hạng B2 và C là có cơ sở pháp lý.
Cũng theo đơn vị này, thực tế yêu cầu tổ chức đào tạo trực tuyến các môn lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ tại đơn vị trong thời gian dịch COVID-19 cho thấy hiệu quả đào tạo thu được từ việc đào tạo trực tuyến là rất cao. Đáp ứng được yêu cầu của học viên không thể tham gia đào tạo tập trung.
“Cùng với xu thế chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định chương trình chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cơ sở khuyến khích việc tổ chức đào tạo trực tuyến môn lý thuyết lái xe” – đơn vị này đề xuất.