Ngày 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH và thông qua nghị quyết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Nhiều người tiếp tục tranh luận về tỉ lệ số đại biểu (ĐB) hoạt động chuyên trách...
Kéo dài hoặc không quy định tuổi nghỉ hưu
Trình bày báo cáo tiếp thu ý kiến chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có hai phương án đề xuất về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Phương án một: Giữ quy định về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (khoảng 175 ĐB) như luật hiện hành.
Phương án hai: Tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (khoảng 200 ĐB). “Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án một” - ông Tùng cho hay.
Về cơ cấu ĐBQH, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút những người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đồng thời, sẽ không khống chế độ tuổi tối đa của ĐB hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) để phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của ĐB.
Về việc này, ông Tùng cho hay cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nhận định đây là một đề xuất có tính tích cực, cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, ĐBQH hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với ĐBQH thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức QH.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay việc nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã được bàn từ Đại hội XI và được ghi vào nghị quyết. Ảnh: TTXVN
Đề nghị ghi vào luật tỉ lệ đại biểu chuyên trách
Về nội dung trên, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho hay việc nâng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách đã được bàn từ Đại hội XI và được ghi vào nghị quyết.
“Hướng phấn đấu là 37%-40% ĐBQH hoạt động chuyên trách thì tôi nghĩ chúng ta sẽ thu hút được những chuyên gia đã từng công tác tại các cơ quan QH, các bộ. Nếu được thì không giữ chức vụ gì cả, chỉ làm ĐBQH để thu hút chất xám và kinh nghiệm công tác, trí tuệ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của QH” - bà nói.
Bà Phóng cũng đề nghị nên ghi thẳng vào luật tỉ lệ ĐBQH chuyên trách là 40%, trong đó có khoảng 3%-5% ĐB là chuyên gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng QH có thể quyết định số cơ quan của mình vào đầu mỗi nhiệm kỳ.
“Tôi đề nghị đảm bảo khối lượng công việc của QH, đề nghị số lượng ĐBQH chuyên trách dành 100% thời gian làm việc cho QH là 40%” - ông nói và lý giải: Nếu 35% thì 60 người là ở địa phương, ở trung ương có 100 người lại gánh phần việc lập pháp của trung ương sẽ rất nặng nề. “Trong khi chúng ta giám sát cả hoạt động hành pháp, kể cả trung ương lẫn địa phương” - ông Bình nói.
Dù luật hiện hành ghi tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách là 35% nhưng đến bây giờ, QH khóa XIV mới đạt tỉ lệ 34%. Theo tôi mức 35% đã tốt rồi. Giờ ghi cao hơn nữa tôi nghĩ cũng khó đạt được Tổng thư ký QH NGUYỄN HẠNH PHÚC |
“Sẽ có cán bộ tâm tư khi sáp nhập cấp xã, huyện”
Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện giai đoạn 2019-2021 tại sáu tỉnh, thành, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục cho ý kiến trước khi thông qua nghị quyết.
“Đặt vấn đề sáp nhập có băn khoăn không? Đương nhiên có, thậm chí quá băn khoăn. Sáp nhập sẽ có người tăng chức, có người xuống chức, đang ở gần lại đi xa… Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra kịch bản giải quyết tất cả khó khăn và đồng thuận rất cao”. Ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, chia sẻ khi trình bày chủ trương sáp nhập bốn đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cao Bằng trước Ủy ban Thường vụ QH.
Ông Môn cho hay để thực hiện chủ trương trên, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện rất chặt chẽ, tham quan học tập kinh nghiệm của các tỉnh. Sau đó tỉnh lập ban chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, sắp xếp bộ máy cán bộ và cơ sở vật chất.
“Quá trình làm công khai, minh bạch, khách quan, vô tư, khoa học và đúng pháp luật” - ông Môn nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vấn đề quan trọng nhất là sau khi sáp nhập các huyện lại thì phải đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nâng cao đời sống của người dân. Bà cũng lưu ý là việc sáp nhập cán bộ cũng có tâm tư, cần vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao.
“Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác. Tâm tư là chuyện đương nhiên, ngay cả chúng ta cũng vậy…” - bà nói.
Theo bà, tới đây còn nhiều việc phải làm để sau khi nhập làm sao phải để cho đời sống nhân dân được nâng cao, kinh tế-xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được đảm bảo...
Sáu tỉnh, thành sáp nhập xã, huyện Có sáu tỉnh, thành thực hiện sáp nhập huyện, xã gồm Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa, Cao Bằng. Sau khi sắp xếp, các tỉnh, thành sẽ giảm hai đơn vị hành chính cấp huyện và 44 đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: Thái Bình sắp xếp 47 đơn vị cấp xã, sau sắp xếp còn 260 đơn vị (giảm 26 đơn vị). Lào Cai sắp xếp 19 đơn vị cấp xã, sau sắp xếp còn 152 đơn vị (giảm 10 đơn vị). TP Hà Nội sắp xếp 10 xã, còn 579 đơn vị (giảm năm đơn vị). TP Cần Thơ sắp xếp ba đơn vị cấp xã và địa phương này còn 83 đơn vị (giảm hai đơn vị). Khánh Hòa từ 140 đơn vị còn 139 đơn vị. Tỉnh Cao Bằng sắp xếp bốn đơn vị hành chính cấp huyện (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên). |