Đề xuất mới: 3 trường hợp phải học, thi lại bằng lái xe

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó có nhiều quy định mới. Đặc biệt, liên quan đến việc thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm giao thông đường bộ.

Ba trường hợp phải học, thi lại bằng lái

Theo đó, điểm c và d khoản 5 Điều 107 của dự luật GTĐB sửa đổi quy định tài xế bị thu hồi GPLX trong ba trường hợp sau: “GPLX bị tước quyền sử dụng từ bốn lần trở lên trong thời gian ba năm hoặc có tổng thời gian bị tước quyền sử dụng trên 24 tháng; người lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về GTĐB để xảy ra tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên”.

Cạnh đó, khoản 6 Điều 107 của dự luật cũng quy định rõ: Người có GPLX vi phạm các trường hợp trên, nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải được sát hạch lại sau thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền với hình thức thu hồi, tước quyền sử dụng GPLX…

Như vậy, tài xế vi phạm trong ba trường hợp nêu trên muốn được cấp lại GPLX phải học và thi lại. “Việc này cũng tương tự như đề xuất tính điểm để xử lý vi phạm của tài xế, không phát sinh thêm thủ tục. Hình thức này sẽ phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức của người lái xe. Đồng thời, hình thức này hơn hẳn việc chấm điểm như một số nước đang thực hiện khi phải thêm phần mềm, thủ tục mới…” - ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho hay.

Để theo dõi số lần vi phạm của người lái xe, ông Thống cho biết hiện Tổng cục Đường bộ và Cục CSGT (Bộ Công an) đang quản lý dữ liệu GPLX. Theo đó, tài xế nào vi phạm sẽ được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm này.

“Cạnh đó, dự luật lần này cũng bổ sung quy định theo dõi số lần vi phạm hành chính và số lần tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng của người lái xe trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX để thu hồi, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật…” - ông Thống nói và cho biết tới đây người dân có thể theo dõi số lần bị tước GPLX qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Người có GPLX nếu vi phạm ba trường hợp theo quy định, có nhu cầu cấp lại GPLX phải sát hạch lại sau thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt. Ảnh minh họa: L.THY

Ủng hộ chế tài mạnh

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc Bộ GTVT đưa ra chế tài thu hồi GPLX và buộc phải học, thi lại bằng lái đối với các trường hợp trên là phù hợp. Quy định trên sẽ giúp hạn chế được những tai nạn do sử dụng rượu, bia, ma túy.

“Người tham gia giao thông thường vi phạm các quy định về an toàn giao thông do hai nguyên nhân. Một là do nắm kiến thức pháp luật về GTĐB không đầy đủ, vững chắc. Hai là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông không tốt. Để ngăn chặn tình trạng trên cần có chế tài nặng để răn đe, phòng ngừa nên cá nhân tôi rất ủng hộ quy định này…” - ông Quyền nói.

Về một số ý kiến cho rằng tai nạn giao thông phần lớn do ý thức người tham gia giao thông chứ không phải do kiến thức hoặc công tác đào tạo “có vấn đề”, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng nếu do một trong hai nguyên nhân nêu trên dẫn đến tai nạn thì việc thu hồi bằng lái đều có tác dụng.

“Cụ thể, khi có chế tài mạnh, người tham gia giao thông sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hơn, từ đó hạn chế các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng… Tất nhiên, theo tôi biết, những trường hợp vi phạm đến mức phải tước bằng lái bốn lần trong ba năm hoặc có tổng lần tước bằng lái trên 24 tháng… không nhiều, chỉ là cá biệt nhưng cần chế tài mạnh với bộ phận này…” - ông Quyền nêu quan điểm.

Anh Phan Diệu (ngụ Ba Đình, Hà Nội), tài xế taxi, khẳng định rất ủng hộ dự luật trên. Theo anh Diệu, hiện nay một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật rất kém, nói đúng hơn là xem thường pháp luật, nên chế tài mạnh là rất cần thiết.

“Tuy nhiên, bên cạnh các chế tài tôi cũng mong lực lượng thực thi công vụ trên đường cần xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm giao thông. Ví dụ như hành vi lái xe đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, vượt đèn đỏ… Nếu có chế tài mạnh nhưng phát hiện vi phạm lại cho qua thì người dân, đặc biệt người có tiền sẽ xem thường pháp luật, thậm chí gây hậu quả lớn cho nhiều người tham gia giao thông chấp hành đúng pháp luật…” - anh Diệu cho hay.

Trường hợp nào bị tước bằng lái 24 tháng

Theo quy định của Nghị định 100/2019, hành vi vi phạm ngoài việc phạt tiền, người lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 1-24 tháng (tùy vào mức độ vi phạm). Trong đó có một số lỗi có thể tước bằng lái 24 tháng gồm: Sử dụng rượu, bia khi lái xe; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm