Đề xuất mới có lợi cho người gửi tiền tiết kiệm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi NH để thay thế Thông tư 04 ngày 10-3-2011 của NHNN đang có hiệu lực. Điểm đáng chú ý khiến nhiều người gửi tiền tiết kiệm quan tâm là họ được thỏa thuận với NH về lãi suất trên phần tiền tiết kiệm họ chưa rút trước kỳ hạn.

Bớt thiệt khi rút một phần tiền trước hạn

Theo quy định tại Thông tư 04, khi tổ chức hay cá nhân rút một phần hay toàn bộ tiền gửi trước kỳ hạn thì chỉ được nhận lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất tại thời điểm rút tiền.

Theo dự thảo thông tư mới của NHNN thì người rút tiền tiết kiệm
trước thời hạn sẽ bớt thiệt hơn hiện nay. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư mới thì nếu khách hàng rút một phần tiền gửi trước kỳ hạn thì số tiền rút một phần chịu mức lãi suất không kỳ hạn. Số tiền còn lại được hưởng mức lãi suất thỏa thuận giữa NH và khách hàng nhưng không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Nếu khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi thì NH áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi.

Theo NHNN Việt Nam, qua khảo sát một số nước thì mỗi NH có quy định mức phạt khác nhau trong trường hợp khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Chẳng hạn, tại Mỹ, khách hàng rút trước hạn tiền gửi có kỳ hạn trong vòng sáu ngày kể từ ngày gửi tiền hoặc trong vòng sáu ngày kể từ ngày rút một phần gần nhất thì khách phải chịu phạt.

Ngân hàng ANZ tại Úc quy định khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn tại ANZ, tuy nhiên bất kỳ khoản rút trước hạn nào cũng bị áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất ban đầu, phần tiền không rút trước hạn được hưởng mức lãi suất như ban đầu. Ngân hàng Bank of New Zealand ở New Zealand quy định khách hàng rút trước hạn một phần hoặc toàn bộ tiền gửi sẽ phải chịu mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất ban đầu.

Cũng theo NHNN, về bản chất, việc rút một phần trước hạn tiền gửi làm thay đổi kỳ hạn và lượng tiền gửi theo hướng kỳ hạn của phần tiền gửi rút trước hạn bị thu ngắn và lượng tiền gửi giảm so với số tiền gửi ban đầu của khách hàng tại NH. Do đó trong dự thảo, NHNN chia ra hai trường hợp cụ thể như trên.

Nhiều ý kiến ủng hộ

Chị Ánh Hoa, một khách hàng, cho biết nếu dự thảo quy định này được thông qua thì việc rút một phần tiền gửi trước kỳ hạn của người dân sẽ bớt thiệt thòi hơn. Chị dẫn chứng: “Tôi đang gửi tiết kiệm 500 triệu đồng thời hạn 12 tháng, lãi suất 6,6%/năm. Hiện nay đã được chín tháng, nếu tôi rút một phần hoặc toàn bộ tiền trước thời hạn thì chỉ hưởng lãi không kỳ hạn 0,1%-0,2%/năm, tức là tôi sẽ bị mất khoảng 25 triệu đồng - gần như toàn bộ tiền lãi đáng lẽ được hưởng trong chín tháng rồi. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì thiệt hại này không hề nhỏ”.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, hiện nay người gửi tiết kiệm rút trước kỳ hạn một phần hay toàn bộ số tiền gửi đều bị chịu mức lãi suất không kỳ hạn, với dự thảo thông tư mới thì họ có lợi hơn nhiều. Quy định này không chỉ khuyến khích người gửi tiền tiết kiệm khi chưa tìm ra kênh đầu tư phù hợp, mà còn giúp họ không phải lo lắng bị mất khoản tiền lãi nếu rút tiền trước hạn.

Cũng theo ông Long, ở chiều ngược lại, phía NH không còn được hưởng lợi như trước nữa mà họ phải chia sẻ một phần lợi nhuận của mình với khách hàng. Tuy vậy, bù lại khi người dân không còn lăn tăn với việc rút vốn giữa chừng thì NH cũng sẽ dễ dàng hơn khi thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi hiện đã chạm sàn.

Tổng giám đốc một NH thương mại cho biết khoảng hai năm trở lại đây, mặt bằng lãi suất huy động của các NH liên tục được điều chỉnh giảm và hiện đã chạm đáy. Nếu các NH tiếp tục hạ lãi suất huy động thì dòng tiền gửi của cả khách hàng tổ chức lẫn cá nhân sẽ bị giảm thêm. Trong khi các NH muốn có tiền cho vay phải duy trì được nguồn tiền gửi tiết kiệm ổn định. Chưa kể, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng đổ mạnh vào chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm. Cho nên quy định trong dự thảo thông tư là tốt, nó góp phần giúp mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức hợp lý và giữ chân người gửi tiền cho NH.

 

Dự báo đến cuối năm lãi suất sẽ không tăng

Trong báo cáo về thị trường trái phiếu vừa được công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất huy động trung bình có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 9-2021 đối với hai kỳ hạn sáu tháng và 12 tháng. Theo đó, lãi suất huy động thấp nhất của kỳ hạn sáu tháng là 3,7%/năm, cao nhất là 6,1%/năm, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất là 4,5%/năm và cao nhất là 6,8%/năm. Như vậy, lãi suất trung bình sáu tháng và 12 tháng trong tháng 9-2021 ghi nhận mức giảm dao động 12%-14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm NH thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỉ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại BVSC, trong các tháng đến cuối năm, NHNN vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục, lãi suất NH vẫn tiếp tục không tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm