Bộ Công an đang đăng tải dự thảo lần hai Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Theo Bộ Công an, dự thảo lần này được soạn thảo trên tinh thần khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 115/2013 nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Người vi phạm giao thông có thể đặt tiền để bảo lãnh phương tiện.
Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
Theo đó, có hai trường hợp được thực hiện quyền trên. Thứ nhất là cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai là tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.
Đặc biệt, Bộ Công an quy định rất chi tiết đối với nội dung bảo lãnh phương tiện.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân vi phạm khi muốn được giữ, bảo quản phương tiện thì phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ. Việc đặt tiền bảo lãnh chỉ được thực hiện sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh.
Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Trong thời hạn hai ngày kể từ ngày nhận tiền đặt bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện phải chuyển ngay số tiền đó vào bộ phận tài vụ của cơ quan mình để quản lý.
Trường hợp người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện để mất tiền đặt bảo lãnh hoặc sử dụng tiền đặt bảo lãnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật và phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý, phương tiện vi phạm trong thời gian được giao cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản sẽ không được phép lưu hành.
Cũng theo dự thảo, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh để thi hành quyết định xử phạt.
Trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì phần còn lại của số tiền đặt bảo lãnh sau khi đã trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh.
Bốn trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh Bên cạnh việc quy định chi tiết việc bảo lãnh phương tiện, Bộ Công an cũng nêu bốn trường hợp cụ thể không được áp dụng hình thức này: a) Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự. b) Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông. c) Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa. d) Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy. |