Bộ GTVT đang lấy ý kiến về đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Theo đó, hiện nay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang được Nhà nước giao trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia với 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, TP với chiều dài 3.160,947 km. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2017, sản lượng vận chuyển hành khách của đường sắt chỉ 9,5 triệu lượt hành khách, chiếm tỉ lệ 0,23% trên tổng số 4.081 triệu lượt khách trên cả nước.
Hệ thống đường sắt hiện nay đang xuống cấp nhưng kinh phí bố trí hằng năm chưa tương xứng. Ảnh: Internet
Kết cấu hạ tầng đường sắt hiện rất xuống cấp, chưa được đầu tư tương xứng dẫn tới xóc lắc, tiếng ồn, hạn chế tốc độ chạy tàu (khoảng 57 km/giờ). Đặc biệt, đường sắt quốc gia là đường đơn phục vụ chạy chung cho tàu hàng, tàu khách nên ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ khách du lịch.
“Hiện ngành đường sắt có 1.008 toa xe khách. Nhưng trong đó có 667 toa xe dưới 30 năm, 75 toa xe từ 30 năm đến dưới 35 năm, 203 toa xe từ 35 năm đến dưới 40 năm, 163 toa xe từ 40 năm trở lên…” - Bộ GTVT thông tin.
Với những khó khăn trên, Bộ GTVT đưa ra giải pháp, trước mắt bổ sung thêm 500-1.000 tỉ đồng/năm để bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 2, nâng cao chất lượng dịch vụ và khai thác nhà ga…
Bộ GTVT cũng kiến nghị thời gian tới có thể nghiên cứu xây dựng và phát hành thẻ đi tàu kèm theo các chính sách giá ưu đãi cho phép du khách quốc tế và trong nước có thể đi bất kỳ đoàn tàu nào trong vòng 3-10 ngày (tương tự như đường sắt châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Bên cạnh đó, liên danh, liên kết với các đơn vị du lịch địa phương để thành lập các tour du lịch trọn gói tới các địa điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đường sắt Việt Nam…
Giải pháp lâu dài, xây tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (sẽ trình Quốc hội vào năm 2020) có gắn kết đường sắt với quy hoạch phát triển vùng, trong đó có gắn kết với phát triển du lịch đường sắt.
Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, cải tạo, xây dựng các cơ sở chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, sản xuất phụ tùng thay thế với tỉ lệ nội địa hóa phấn đấu đạt 40%-60%. Đến năm 2030, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, sản xuất phụ tùng thay thế với tỉ lệ nội địa hóa đạt 40%-80%.
Số tiền thực hiện các đề án này, Bộ GTVT đề xuất từ vốn ngân sách nhà nước, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và xã hội hóa...
Với các giải pháp trên, Bộ GTVT kỳ vọng đến năm 2025, tăng năng lực thông qua trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM từ 17 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm; năng lực chuyên chở 325 m/đoàn tàu như hiện nay lên 400 m/đoàn tàu... Giảm thiểu, hạn chế và dần tiến tới xóa bỏ các điểm xóc lắc, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến và đảm bảo an toàn.
Bước đầu triển khai áp dụng các chính sách phát hành thẻ du lịch đường sắt, thẻ hội viên đường sắt, các tour du lịch đặc biệt dành cho đường sắt, kết nối các dịch vụ phục vụ khách du lịch…
Bộ GTVT cho biết thời gian qua Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam đã chuyển hướng tập trung khai thác tuyến ngắn nhằm lấy lại lợi thế cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, liên tục cho ra đời những đoàn tàu mới. Theo mục tiêu đề ra sẽ đưa thêm sáu đoàn tàu mới vào sử dụng trên các tuyến Hà Nội - TP.HCM đi vào các trung tâm, các điểm du lịch, các chặng đường hợp lý Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Huế, Hà Nội - Nha Trang, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Tuy Hòa. “Đây là những cung, chặng hợp lý, thu hút hành khách. Toàn bộ các tàu khách cũ sẽ được lần lượt thay bằng các tàu mới, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ thay thế toàn bộ tàu khách thế hệ cũ nhằm nâng chất lượng phục vụ hành khách tốt hơn...” - Bộ GTVT cho biết. |