Đề xuất quy định ngồi mọi vị trí trên ô tô phải thắt dây an toàn

(PLO)- Các ý kiến góp ý nổi bật cho hai dự thảo luật nổi bật là nghiêm trị hành vi điều động, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe, tất cả người ngồi trên ô tô đều phải thắt dây an toàn...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Đề xuất quy định ngồi mọi vị trí trên ô tô phải thắt dây an toàn

Sáng 11-10, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý hai dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ của Bộ Công an và Luật Đường bộ (ĐB) do Bộ GTVT soạn thảo.

hoi-thao.jpg
Hội thảo góp ý hai dự luật có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị.

Hội thảo có ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM chủ trì và nhiều ĐB đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau.

Việc góp ý, hoàn thiện hai luật có tác động lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Thắng cho biết theo chương trình kỳ họp thứ 6 của QH khóa 15 sẽ khai mạc ngày 23-10 sắp tới, trong chương trình xây dựng pháp luật có tiến hành cho ý kiến hai luật TTATGT ĐB và Luật ĐB.

“Về luật ĐB có sáu chương, 92 điều và Luật TTATGT ĐB có chín chương 81 điều, dù thời gian qua cả nước đều quyết liệt lập lại an toàn giao thông đường bộ nhưng vẫn xảy ra các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc cho ý kiến và ban hành hai luật này là rất quan trọng”- ông Thắng nhấn mạnh.

hoi-thao-1.jpg
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

“Trong thời gian gần đây, Quốc hội đã thông qua các chủ trương về vành đai, đường cao tốc để phát triển đường bộ phía Nam. Như vậy, hai luật này được cho ý kiến và thông qua sẽ rất quan trọng với việc phát triển của TP, khu vực phía nam và cả nước.”- ông Thắng nói thêm.

Liên quan đến Luật ĐB, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng dự thảo luật đã có nhiều quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước và vai trò của các lực lượng chuyên ngành, vai trò của ủy ban các cấp về việc quản lý an toàn giao thông đường bộ

“Một số quy định mới phù hợp với công ước của các nước trên thế giới mà ta đã ký kết, tuy nhiên vẫn cần bổ sung những quy định để phù hợp hơn tại Việt Nam”- Luật sư Hòa cho hay.

hoi-thao-2.jpg
Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất nhiều nội dung trong cả hai dự luật.

Đề xuất bổ sung nhiều quy định

Theo luật sư, cần giải thích, định nghĩa thêm một số quy định mới như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đường bộ, hệ thống giao thông thông minh, những hệ thống tín hiệu ánh sáng... bổ sung các quy định như đường thôn xóm, vận tải đa phương thức…

“Dịch vụ cho thuê phương tiện cần định nghĩa rõ vì hiện nay có nhiều hình thức. Dự thảo đã đưa rất nhiều phương thức về dịch vụ cho thuê phương tiện. Tôi kiến nghị đưa vào Luật ĐB chi tiết, cụ thể các quy định về đường bộ như thế nào đối với loại phương tiện không người lái”- luật sư Hòa kiến nghị.

Đáng chú ý, trong dự thảo Luật TTATGTĐB, luật sư Hòa đề xuất nghiêm trị hành vi điều động, giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

“Đã có những vụ tai nạn do người chưa đủ điều kiện nhưng điều khiển xe gây ra. Vừa qua, Bộ luật Hình sự 2015 đã kịp thời nghiêm trị những hành vi này”- luật sư Hòa dẫn chứng.

Cũng tại hội thảo, luật sư Hòa kiến nghị thêm nhiều vấn đề, trong đó có nội dung về đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật môi trường đối với các loại xe máy, xe chuyên dùng…

“Tuổi 16 được điều khiển xe gắn máy, tại sao không có số tuổi tối đa? Đồng thời cần quy định thêm về vấn đề sức khỏe. Tùy giữa độ tuổi và sức khoẻ không đảm bảo, cái nào đến trước thì phải thu hồi GPLX” - luật sư Hòa đề xuất thêm.

Cũng tại buổi Hội thảo, TS Trần Thảo - Trưởng khoa CSGT, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân nêu đề xuất liên quan đến vấn đề thắt dây an toàn trên ô tô.

hoi-thao-3.jpg
TS Trần Thảo, Trưởng khoa CSGT, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân

Theo TS Thảo, Khoản 2 Điều 9 dự thảo luật TTATGT ĐB quy định về quy tắc chung: “Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ”.

Quy định như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu: Nếu xe ô tô không trang bị dây đai an toàn hoặc dây đai an toàn bị hỏng nhưng chủ xe ô tô không sửa chữa, khắc phục thì không cần phải thắt dây đai an toàn.

“Để nâng cao trách nhiệm của chủ xe cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đề nghị bỏ cụm từ “tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn” và sửa lại nội dung này như sau: “Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ””- TS Thảo kiến nghị.

Ngoài ra, một số ĐB khác cũng góp ý liên quan đến việc lái xe đưa đón học sinh, thiết bị giám sát hành trình trên xe, quy định thêm về xe điện hai bánh, xe scooter cho học sinh hay các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của xe vận tải...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm