Đề ​xuất tăng thời gian giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương

Bộ Y tế chiều 18-2 ghi nhận 18 ca dương tính nCoV, đều ở Hải Dương, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 575 ca.

Cùng ngày, GS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã đến Hải Dương làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác chống dịch COVID-19 tại đây. Thứ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp khảo sát và yêu cầu BV dã chiến số 3 đi vào hoạt động sớm nhất có thể.

Bốn điểm khác biệt của dịch COVID-19 ở Hải Dương

Tại phiên làm việc với UBND huyện Cẩm Giàng và UBND TP Chí Linh, Thứ trưởng Bộ Y tế đã lắng nghe trình bày của các lãnh đạo địa phương về tình hình phòng, chống dịch tại Hải Dương. Trong đó, chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn trong các khu cách ly; nhà máy, xí nghiệp khi hoạt động trở lại.

Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết Hải Dương đã đến ngày thứ 23 trong đợt dịch mới trên địa bàn. Dịch bệnh COVID-19 tại Hải Dương có bốn đặc điểm vô cùng khác biệt.

Thứ nhất, đây là chủng virus mới, tốc độ lây lan nhanh. Thứ hai, virus đánh vào môi trường doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân khiến công việc dập dịch càng khó khăn hơn. Thứ ba, đây là ổ dịch đã nằm lâu nhưng bây giờ mới được phát hiện. Thứ tư, dịch bùng phát vào thời điểm tết Nguyên đán nên việc kiểm soát gặp nhiều vấn đề hơn.

“Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định diễn biến dịch trong những ngày vừa qua tại Hải Dương đang từng bước được kiểm soát. Để đảm bảo việc cách ly tập trung được an toàn, chúng tôi đã yêu cầu lực lượng quân đội quản lý việc cách ly” - ông Thăng nói.

GS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái), đã đến Hải Dương làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về công tác chống dịch. Ảnh: Bộ Y tế 

Về ổ dịch Cẩm Giàng, theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đây là ổ dịch nguy hiểm nhất của tỉnh. Hải Dương đã tiến hành hàng loạt giải pháp tại địa phương này. Toàn bộ 100% các doanh nghiệp tại Cẩm Giàng phải thực hiện việc xét nghiệm cho công nhân trước khi nối lại sản xuất sau kỳ nghỉ tết.

Trước nhận định Hải Dương càng dập dịch càng lan, ông Thăng khẳng định Hải Dương không chậm chạp. “Chúng tôi khẳng định luồng dư luận này không chính xác. Phải nhìn lại đa chiều toàn bộ lộ trình chống dịch ở Hải Dương sẽ thấy rõ điều đó. Đến nay có thể nói là tình hình ở Hải Dương đã được kiểm soát. Chúng tôi thống nhất chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và cách ly kịp thời để sớm ngăn chặn dịch bệnh” - ông Thăng chia sẻ.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, khi đưa ra quyết định ở các giai đoạn của dịch, Hải Dương đều xin ý kiến của đoàn chuyên gia y tế và Bộ Y tế về mặt dịch tễ học nên phong tỏa ở đâu, cách ly chỗ nào phải dựa trên cơ sở dịch tễ, cơ sở khoa học, tuyệt đối không phong tỏa cực đoan. “Chúng tôi quyết định cách ly toàn tỉnh là vì sự an toàn của Hải Dương và của cả nước” - ông Thăng nói.

“Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban chỉ đạo trung ương đưa ra” - lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho hay.

TP.HCM xét nghiệm giám sát gần 3.500 trường hợp khai báo y tế

Sáng 18-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết nơi đây tiếp tục thực hiện giám sát người từ vùng dịch COVID-19 trong nước đến TP.HCM sau tết Nguyên đán 2021.

Tới thời điểm hiện tại, TP.HCM ghi nhận 3.528 trường hợp khai báo y tế và chuyển cách ly tập trung 155 trường hợp, 7 cách ly tại nhà, 3.366 tự theo dõi sức khỏe.

TP.HCM cũng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên 3.464 trường hợp. Trong đó 3.266 âm tính, 198 đang chờ kết quả. 

Dịch đang dần được kiểm soát

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Chính phủ. Mặc dù dịch được phát hiện trong hoàn cảnh bị động nhưng Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng, nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung nhanh chóng, thần tốc và giao trách nhiệm cho lực lượng quân đội là đúng đắn.

Làm việc tại TP Chí Linh (Hải Dương), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh các lực lượng hoàn thành bước đầu nhiệm vụ của mình.

Đánh giá cao những nỗ lực của Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Tình hình dịch tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã hoàn thành BV dã chiến số 3, vì vậy yêu cầu sớm đưa bệnh viện dã chiến này đi vào hoạt động để giảm tải cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.

Kết thúc phiên làm việc ngày 18-2, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng thời gian giãn cách xã hội với địa bàn toàn bộ tỉnh Hải Dương. Đồng thời, sớm có phương án đảm bảo an toàn cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp khi tái sản xuất tại TP Chí Linh, Hải Dương nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

204.000 liều vaccine phòng COVID-19 dự kiến sắp về Việt Nam

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ký văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca với 204.000 liều nhằm sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Đây sẽ là lô vaccine COVID-19 Astra Zeneca đầu tiên trong 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua.

Vaccine này đã dược Bộ Y tế cấp phép vào ngày 1-2. Đây là vaccine đầu tiên được phép lưu hành tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Bộ Y tế, căn cứ vào Luật Truyền nhiễm và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi vaccine về Việt Nam, những đối tượng được ưu tiên gồm thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm sẽ được sử dụng miễn phí vaccine, sinh phẩm y tế. Những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng dịch và đến từ vùng dịch bắt buộc phải tiêm vaccine đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm