Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nghiên cứu việc bổ sung nhiều tuyến cao tốc cho khu vực phía Nam như Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), Chơn Thành - cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), Nhà Bè (TP.HCM) - Mỹ Tho (Tiền Giang) - Bến Tre - Trà Vinh…
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một trong hai tuyến cao tốc duy nhất đang được khai thác ở phía Nam hiện đã quá tải. Ảnh: HOÀNG GIANG.
Tăng thêm nhiều tuyến cao tốc
Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ do liên danh tư vấn TEDI - CCCTI lập, nêu rõ quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, khu vực miền Nam có bảy tuyến cao tốc gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Cần Thơ - Cà Mau. Tổng chiều dài các tuyến này là 983 km.
Tuy nhiên, tư vấn cho rằng để phù hợp với nhu cầu thực tế khu vực này, cần bổ sung tuyến cao tốc từ Gò Dầu tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh). Vì theo quy hoạch mạng lưới cao tốc tới Tây Ninh, có tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua Gò Dầu.
Theo tư vấn, để đảm bảo tính kết nối thuận lợi các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh Tây Ninh và Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát với TP.HCM cũng như khu vực ĐBSCL, bổ sung tuyến cao tốc này vào quy hoạch là cần thiết.
Tuyến này dự kiến sẽ đi song song với quốc lộ 22B, chiều dài 65 km, quy mô bốn làn xe. Trong đó, dự kiến đầu tư đoạn Gò Dầu - TP Tây Ninh trước năm 2030, đoạn TP Tây Ninh - Xa Mát sau năm 2030.
Tư vấn cũng đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Chơn Thành - cửa khẩu Hoa Lư (Lộc Ninh, Bình Phước). Vì cửa khẩu này nằm trên trục giao thông xuyên Á nối Việt Nam với các nước trong khu vực. Trong khi đó, khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư là nơi phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia.
“Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, dịch vụ tăng trong tương lai, cần thiết bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Chơn Thành - cửa khẩu Hoa Lư kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã có trong quy hoạch trước đây…” - tư vấn đề xuất.
Dự án cao tốc Chơn Thành - cửa khẩu Hoa Lư có điểm đầu giao với vành đai 3 (TP.HCM), đi theo hướng tuyến quốc lộ 13, rồi đến cửa khẩu Hoa Lư. Cao tốc có quy mô bốn làn xe, tiến độ đầu tư sau năm 2030.
Phía Nam cũng được đề xuất bổ sung tuyến đường cao tốc Nhà Bè (TP.HCM) - Mỹ Tho (Tiền Giang) - Bến Tre - Trà Vinh, nhằm giảm tải lưu lượng xe cho tuyến Sài Gòn - Trung Lương và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo thành một trục kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.
Dự án có điểm đầu thuộc huyện Nhà Bè, chạy theo hướng đông nam qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Chiều dài khoảng 104 km, quy mô bốn làn xe, dự kiến đầu tư sau năm 2030.
Ngoài ra, tư vấn cũng đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Trà Vinh - Hồng Ngự (Đồng Tháp). Vì cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) là cửa khẩu thông thương quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia. Hiện nay cửa khẩu được kết nối với quốc lộ 30. Trong tương lai, để đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các vùng kinh tế trọng điểm cửa khẩu miền Tây Nam bộ với các cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, cần bổ sung tuyến cao tốc này.
Cao tốc Trà Vinh - cửa khẩu Dinh Bà có quy mô bốn làn xe, chiều dài 190 km, dự kiến đầu tư sau năm 2030.
Làm rõ nhu cầu kinh phí đầu tư dự án giao thông
Theo tư vấn, nhìn chung mạng lưới đường cao tốc nói chung còn thiếu so với yêu cầu phát triển. Chiều dài đường cao tốc còn thấp so với các nước phát triển, một số trục có nhu cầu vận tải lớn nhưng chưa hình thành hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là trục Bắc - Nam.
Riêng khu vực miền Nam có suất đầu tư lớn do nhiều đất yếu, sông, kênh rạch chằng chịt. Dù Chính phủ đã có sự cân đối các nguồn lực để tạo sự phát triển đồng đều cho khu vực này nhưng vẫn có sự chênh lệch về chiều dài đường cao tốc. Vì vậy, việc bổ sung các tuyến cao tốc trên là cần thiết.
Tại cuộc họp Bộ GTVT vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ nhu cầu kinh phí đầu tư các dự án giao thông. Trong đó, phải xác định dự án nào sử dụng vốn ngân sách, vốn xã hội hóa và cơ chế thế nào để thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước.
Cạnh đó, ông Thể cho rằng nếu chỉ dành khoảng 2% GDP đầu tư hạ tầng giao thông như nhiều năm qua, khó giải quyết được điểm nghẽn của ngành giao thông. Vì vậy, cần nghiên cứu đề xuất Quốc hội bố trí 4%-5% GDP để đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn tới nhằm tạo đột phá.
Ông Thể cũng gợi ý nghiên cứu đề xuất giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ để đầu tư hạ tầng giao thông, sau đó tiến hành thu phí để hoàn trả vốn nhà nước.
“Đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP), chúng ta phải trả lãi cho nhà đầu tư 10%-11%/năm. Trong khi vốn nhà đầu tư góp vào dự án chủ yếu là tiền của các tổ chức tín dụng huy động từ người dân. Nếu phát hành trái phiếu chính phủ lãi suất chỉ 3%-4%/năm, khi công trình hoàn thành sẽ thu phí hoàn trả vốn nhà nước, cách làm như vậy rõ ràng hiệu quả hơn nhiều…” - ông Thể nói.
Cần 118.532 tỉ đồng đầu tư 10 tuyến cao tốc phía Nam Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên đầu tư 10 tuyến cao tốc ở phía Nam với chiều dài khoảng 1.258 km. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 ưu tiên đầu tư sáu tuyến cao tốc dài 355 km với kinh phí khoảng 59.771 tỉ đồng. Cụ thể, dự án Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, tổng mức đầu tư 2.300 tỉ đồng; Biên Hòa - Vũng Tàu dài 60 km, tổng mức đầu tư 14.900 tỉ đồng; TP.HCM - Chơn Thành dài 45 km, tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng; TP.HCM - Mộc Bài dài 65 km, tổng mức đầu tư 10.700 tỉ đồng; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 64 km, tổng mức đầu tư 9.800 tỉ đồng; vành đai 3 - TP.HCM dài 95 km, tổng mức đầu tư 19.871 tỉ đồng. Giai đoạn 2026-2030, ưu tiên đầu tư bốn tuyến cao tốc dài 300 km với tổng số tiền 58.761 tỉ đồng. Đó là các tuyến Gò Dầu - Xa Mát dài 65 km, tổng mức đầu tư 10.350 tỉ đồng; Hồng Ngự - Trà Vinh dài 30 km, tổng mức đầu tư 5.380 tỉ đồng; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 100 km, tổng mức đầu tư 9.750 tỉ đồng; vành đai 4 - TP.HCM dài 105 km, tổng mức đầu tư 33.281 tỉ đồng. |