Đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách để phát triển huyện Côn Đảo

(PLO)- Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế và vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh nhưng phát triển chưa như kỳ vọng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có tờ trình gửi Trung ương về việc xem xét, cho chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển huyện Côn Đảo.

Trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, thực tế phát triển; các quy hoạch, chính sách đang áp dụng cho Côn Đảo. Bên cạnh đó là những khó khăn, hạn chế khiến vùng đất này chưa phát triển xứng tầm như kỳ vọng…

Vùng đất lịch sử, giàu tiềm năng lợi thế

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Côn Đảo là nơi chứng kiến và lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao. Nơi đây là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, quật cường, khí phách anh hùng của các chiến sĩ cách mạng nhiều thời kỳ và đồng bào yêu nước trước ngục tù, gông cùm, tra tấn tàn bạo của thực dân, đế quốc.

Côn Đảo với nhiều di tích lịch sử cách mạng là “địa chỉ về nguồn”, trường học thực tiễn để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của các bậc tiên liệt cho thế hệ trẻ hôm nay và muôn đời sau…

trai-phu-hai.jpg
Huyện Côn Đảo có nhiều di tích lịch sử được người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: MC

Xét về vị trí địa lý tự nhiên, Côn Đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Nằm cách đường hàng hải quốc tế khoảng 60 km, Côn Đảo được coi là một nút giao thông quan trọng trên biển của quốc gia và quốc tế.

Trong không gian biển của quốc gia, Côn Đảo nằm trong vòng cung chuỗi đảo ven biển, gồm các đảo Phú Quý - Côn Đảo - Phú Quốc. Côn Đảo cũng nằm ở trung tâm khu vực các nước Đông Nam Á là Singapore, Philippines, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, Côn Đảo cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển và hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế biển: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí; nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đề xuất chủ trương cho thí điểm một số cơ chế, chính sách để phát triển huyện Côn Đảo
Một góc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ngày nay. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Vườn quốc gia Côn Đảo là khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển, đất ngập nước; có hệ động, thực vật, sinh thái biển tự nhiên phong phú, đa dạng. Nơi đây là nơi bảo tồn, cứu hộ nhiều rùa biển nhất của Việt Nam và là thành viên quan trọng của mạng lưới bảo tồn rùa của thế giới.

Tháng 6-2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó công nhận Côn Đảo là một trong 9 khu du lịch quốc gia của Việt Nam...

Cần cơ chế, chính sách đột phá để đảo ngọc phát triển xứng tầm

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và giúp đỡ của một số địa phương trong cả nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển Côn Đảo. Tuy nhiên, sự phát triển Côn Đảo chưa tương xứng với vai trò, vị trí và chưa phát huy được hết giá trị di tích lịch sử cách mạng.

Trong đó, hạ tầng giao thông kết nối đảo với đất liền, quốc tế là khó khăn, trở ngại chính đối với phát triển Côn Đảo. Giao thông đường biển bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong năm; sân bay Côn Đảo chỉ đáp ứng cho các tàu bay loại nhỏ; chưa có bến tàu đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn đón tàu khách du lịch quốc tế.

Các công trình kết cấu hạ tầng tại Côn Đảo hầu hết không có khả năng thu hồi vốn, khó thu hút các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, phải đầu tư 100% từ ngân sách nhà nước, trong đó chủ yếu từ ngân sách tỉnh…

Con-Dao-3.jpg
Tàu chở khách cập bến huyện Côn Đảo sau thời gian tạm dừng. Ảnh: MC

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo hiện làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Mục tiêu phát huy giá trị di tích và tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững chưa thực hiện được. Giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng hiệu quả vào phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, hầu như chưa đóng góp đáng kể vào sự phát triển Côn Đảo.

Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp để phát triển các ngành kinh tế tại Côn Đảo đạt thấp. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư tại Côn Đảo hiện áp dụng chung như các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khác nên không đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề cao ra làm việc tại Côn Đảo còn khó khăn, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch chất lượng cao.

Con_Dao.jpg
Cần một số cơ chế, chính sách đột phá để huyện Côn Đảo đi liền giữa bảo tồn và phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Ảnh: KN

Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên khoảng 7.579 ha, trong đó diện tích đất để xây dựng kết cấu hạ tầng, đất ở, đất phát triển du lịch, thương mại và các hoạt động kinh tế khác chỉ có khoảng 1.160 ha, chiếm khoảng 15,3% diện tích tự nhiên.

Diện tích đất xây dựng của Côn Đảo khá nhỏ, trong khi các khu dân cư, các công trình xây dựng (kể cả của cơ quan, đơn vị Nhà nước) hình thành từ trước đó rải rác, phân tán. Điều này dẫn đến khó khăn về tạo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực cho đầu tư.

Trên cơ sở nhận diện tiềm năng, các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong thời gian qua, để Côn Đảo phát triển tương xứng với vị trí, vai trò đặc biệt trong bối cảnh mới rất cần thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá triển khai trong giai đoạn từ đây đến năm 2030.

Trong đó, cần có cơ chế, chính sách phát huy giá trị khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt; Sắp xếp lại các khu đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; Phát huy giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo; Thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư tại Côn Đảo.

Bên cạnh đó là cơ chế chính sách về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam và người nước ngoài đến làm việc tại Côn Đảo; Cơ chế, chính sách về tài chính, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển Côn Đảo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm