Đề xuất tiếp việc cho huy động đất, vàng trong dân

Đồng thời, cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành lập công ty đầu tư để huy động nguồn vốn, chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu.

ĐB Nhường nói nếu cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc này thì sẽ tạo ra “gà đẻ trứng vàng”, huy động được nguồn vốn đầu tư từ trong dân. ĐB Nhường nói mô hình công ty huy động nguồn lực, nguồn vốn này giống như công ty kinh doanh vốn Temasek của Singapore. “Trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, đòi hỏi đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản, quy đổi ra trái phiếu và cổ phiếu” - ĐB Nhường đề xuất.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) lại đề cập đến “cổ phiếu trà đá”, tức là giá trị cổ phiếu niêm yết của các công ty chỉ ngang với giá một ly trà đá. ĐB Thường nói không hiểu vì sao loại cổ phiếu này vẫn tồn tại, có lúc thăng lúc trầm mà không rõ lý do. Mặt khác, với loại “cổ phiếu trà đá”, nhà đầu tư có mua vào cũng không có quyền lợi gì vì giá trị chỉ là trên giấy. ĐB Thường đề xuất: “Luật Chứng khoán phải chặt, ngăn hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh khó khăn lên sàn để trục lợi, thực hiện kỹ thuật làm đẹp báo cáo tài chính. Lúc chào sàn thì cổ phiếu sôi động nhưng sau đó thì thanh khoản rơi và làm mất tiền của nhiều nhà đầu tư”.

Một trong những vấn đề mà các ĐB thảo luận là vị trí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hiện ủy ban này vẫn thuộc Bộ Tài chính. Có ĐB cho rằng cần phải có một cơ quan lớn hơn để ủy ban này trực thuộc.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề xuất phải mở rộng thêm thị trường chứng khoán phái sinh, như thị trường cho vay thứ cấp, khoản vay thứ cấp bất động sản, vàng, đôla, xăng dầu, dầu khí. “Nếu đứng trên quan điểm của Chính phủ mở rộng hàng hóa, đa dạng trên thị trường thì vai trò điều tiết không dừng lại ở Bộ Tài chính mà phải là cơ quan lớn hơn” - ĐB Cường nói.

Tuy vậy, một ĐB Hà Nội khác là Vũ Thị Lưu Mai lại cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần trực thuộc Bộ Tài chính, đảm bảo thực hiện nghị quyết của Đảng là không thành lập tổ chức mới trên tinh thần sắp xếp không tăng thêm đầu mối, không tăng bộ máy và biên chế. Vì nếu tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính thì phải tăng đầu mối, biên chế và tăng chi ngân sách.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng đồng quan điểm này và đề xuất rằng: “Cũng cần trao cho Ủy ban Chứng khoán thẩm quyền điều tra giống như thẩm quyền điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh. Có như vậy Ủy ban Chứng khoán mới có năng lực phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp” - ĐB Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm