Ngày 11-5, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa có văn bản gửi các sở GTVT, Tài chính và Nội vụ liên quan đến xử lý trách nhiệm tại Công ty Cổ phần Công trình giao thông (CTGT) Bình Thuận.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ có ý kiến, đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân đối với những người có liên quan (hiện đã nghỉ hưu) đến việc mất hồ sơ, chứng từ và không có đối chiếu công nợ tại Công ty CTGT Bình Thuận.
Cầu Lạc Tánh - Đức Phú (Tánh Linh) một trong hàng chục công trình đã mất hồ sơ
Tỉnh cũng yêu cầu Công ty CTGT Bình Thuận tiếp tục rà soát, truy lục hồ sơ, chứng từ và làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Sau đó đối chiếu lại công nợ của các công trình, hoàn chỉnh hồ sơ gửi báo cáo cho Sở GTVT, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh quyết định trước ngày 31-12-2018.
Được biết vụ để mất đến 120 hồ sơ công trình giao thông xảy ra tại Công ty CTGT Bình Thuận từ 1997-1999 bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện.
Theo Kiểm toán Nhà nước, khoản nợ không có khả năng thu hồi do mất hồ sơ lên đến hơn 3,2 tỉ đồng. Nếu tính theo giá vàng thời điểm 1999 (5 triệu đồng/lượng) thì vụ mất hồ sơ này trị giá đến 640 lượng vàng, bằng khoảng hơn 23 tỉ đồng thời điểm hiện nay.
Sau khi sự việc bị phát hiện, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GTVT, Công ty CTGT Bình Thuận báo cáo. Ngày 5-4, Công ty CTGT Bình Thuận đã có báo cáo bước đầu.
Cụ thể các công trình bị mất hồ sơ đa phần đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, vốn bão lũ, vốn lệ phí cầu đường, vốn quốc lộ 55, vốn huy động sức dân và vốn xây dựng cơ bản do Ban Quản lý Công trình giao thông thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn các công trình thuộc nguồn vốn PMU18 do Ban Quản lý dự án 18 làm chủ đầu tư (hiện nay ban quản lý dự án này đã giải thể).
Các công trình trên được Đoạn quản lý Công trình giao thông thi công từ những năm 1997-1999 là khá lâu, không có đối chiếu công nợ hàng năm, giá trị xây lắp được thực hiện trong giai đoạn này được chủ đầu tư cấp phát từ năm 1996 (ứng trước) và kéo dài qua các năm sau. Một số công trình thực hiện trong giai đoạn 1997-1999 nhưng không phản ánh kịp thời giá trị xây lắp tại thời điểm thi công, dẫn đến nguồn cấp của chủ đầu tư bị chênh lệch số dư phải thu và phải trả.
Theo Công ty CTGT, các cá nhân có liên quan trong giai đoạn này là các ông Lê Văn Bình, Quyền Giám đốc (giai đoạn 1996 đến 7-2003) và ông Phạm Khai, kế toán trưởng (giai đoạn 1995 đến tháng 3-2000). Hiện nay hai ông này đã nghỉ hưu và công ty cũng không tìm thấy biên bản bàn giao từ năm 1995 đến tháng 7-2003!
Đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT và Công ty CTGT đã kiểm tra 76/120 công trình. Trong đó có 44 công trình tìm không thấy đủ hồ sơ, 39 công trình chưa tìm thấy phiếu giá kho bạc, 3 công trình có số tiền cấp của chủ đầu tư theo ủy nhiệm chi nhưng không xác định được tên công trình và 2 công trình không xác định được nội dung tên công trình.
Vê tình hình đối chiếu công nợ chủ đầu tư giai đoạn 1997-1999, công ty chỉ tìm được 2 bản đối chiếu công nợ của 2 công trình với chủ đầu tư, ngoài ra không có bản đối chiếu công nợ trong giai đoạn này.
Theo Công ty CTGT Bình Thuận, đối với các công trình tìm được hồ sơ công ty sẽ lập danh sách tổng hợp tiến hành đối chiếu xác nhận công nợ với chủ đầu tư. Các công trình không tìm đủ hồ sơ sẽ gửi bảng thống kê đến chủ đầu tư và cùng phối hợp rà soát hạng mục công trình và tổng hợp báo cáo.
Công ty này cũng cho biết các công trình giai đoạn 1997-1999 do lịch sử để lại, thời gian phát sinh tài chính đã xảy ra khá dài. Các công trình khi Đoạn quản lý công trình giao thông còn là đơn vị sự nghiệp đã thi công kéo dài đến nay trên 20 năm, qua nhiều thời kỳ công ty đã thay đổi nhân sự, vì vậy việc đối chiếu và xác nhận công nợ sẽ rất khó khăn. Công ty đề nghị Sở GTVT cho gia hạn thêm thời gian để truy tìm hồ sơ và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý.
Tuy nhiên theo một cán bộ Sở GTVT, việc xử lý tài chính đối với danh mục 120 công trình từ 20 năm trước là rất khó khăn do nhiều đơn vị, chủ đầu tư đã giải thể hoặc đã chuyển đổi, sáp nhập thành đơn vị khác.