Đêm hòa nhạc Việt, Mỹ với tác phẩm từ nhiều quốc gia

Đêm nhạc là chương trình hợp tác của HBSO với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM và Hội Hữu nghị Việt, Mỹ tại TP.HCM tổ chức.

Hai tác phẩm nổi bật trong chương trình là Concerto Grosso số 1 của Alfred Schnittke và Appalachian Spring cho 13 nhạc cụ của Aaron Copland. Hai tác phẩm ngắn hơn của Vaughan Williams và Tchaikovsky sẽ mở đầu và kết thúc chương trình.

Bản concerto grosso (bản concerto lớn) là một hình thức âm nhạc được phát triển vào cuối thế kỷ 17, chủ yếu bởi nhà soạn nhạc Baroque Arcangelo Corelli. Đây là thể loại có nhiều nghệ sĩ độc tấu biểu diễn cùng dàn nhạc, thay vì chỉ một nghệ sĩ độc tấu như trong một tác phẩm concerto truyền thống.

Tất cả điều đó được hội tụ trong bản Concerto Grosso số 1 của Schnittke, ông cũng sử dụng biên chế dàn nhạc theo phong cách thời Baroque với số lượng nhạc công nhỏ. Tác phẩm được công diễn vào năm 1977.

Alfred Schnittke đã nhận được yêu cầu về một tác phẩm cho hai đàn violin trước đó từ hai người bạn thân là hai nghệ sĩ violin Gidon Kremer và Tatiana Grindenko. Điều này giải thích lý do tại sao tác phẩm này được viết cho hai violin, một harpsichord, một prepared piano (đàn piano được biến đổi âm sắc bởi những đồng xu được kẹp giữa các dây đàn) và dàn nhạc dây.

Điều may mắn đối với khán giả tham dự chương trình này tại Nhà hát thành phố, bản Concerto Grosso số 1 của Schnittke sẽ được trình diễn bởi hai nghệ sĩ violin nổi tiếng Việt Nam Bùi Công Duy và Vũ Việt Chương (trở về từ Mỹ). Tác phẩm này gồm 6 chương nhạc, có cả những khúc tango và một số khúc đặc trưng của thể loại nhạc nhẹ. Toàn bộ tác phẩm kéo dài trong nửa tiếng. 

Appalachian là một loạt ngọn núi ở phía đông Bắc Mỹ và bản Appalachian Spring cho 13 nhạc cụ là tác phẩm của nhà soạn nhạc người Mỹ Aaron Copland. Ban đầu nó là âm nhạc của một vở vũ kịch, được công diễn vào năm 1944 với phần biên đạo và vai diễn chính nổi tiếng của Martha Graham.

Sau khi ra mắt thành công, Copland đã được yêu cầu hai lần để chuyển soạn thành phiên bản cho dàn nhạc giao hưởng. Cuối cùng, ông đã cho ra đời một tổ khúc dành cho dàn nhạc vào năm 1972, vẫn giữ nguyên 13 nhạc cụ ban đầu.

Do đó, trong đêm diễn lần này tại TP.HCM sẽ có sự tham gia của một số nghệ sĩ độc tấu đàn dây nổi tiếng như nghệ sĩ cello NSƯT Nguyễn Tấn Anh, nghệ sĩ viola Phạm Vũ Thiên Bảo và concertmaster của dàn nhạc HBSO Tăng Thành Nam. Ban đầu tác phẩm chưa có tên nhưng Martha Graham đã gợi ý Appalachian Spring, một cụm từ trong một bài thơ của Hart Crane. Trong bài thơ, từ spring hàm ý về dòng suối chứ không phải là mùa xuân.

Ngoài hai tác phẩm trên, buổi hòa nhạc được mở màn với tác phẩm của nhà soạn nhạc người Anh Ralph Vaughan Williams mang tên Fantasia trên chủ đề của Thomas Tallis, được công diễn vào năm 1910, khi Vaughan Williams 38 tuổi. Tác phẩm có độ dài khoảng 15 phút. Thomas Tallis là một nhạc sĩ người Anh thế kỷ 16. Vaughan Williams được biết đến với tâm huyết của ông đối với âm nhạc truyền thống của Anh, trái ngược với những ảnh hưởng của Đức bao trùm đất nước này ở thời kỳ thế kỷ 19.

Phần cuối buổi hòa nhạc, khán giả sẽ được thưởng thức những trích đoạn từ tổ khúc Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Vũ kịch Hồ Thiên Nga là một trong những tác phẩm thành công nhất của Tchaikovsky, nhưng ông không phải là người chuyển thể phần nhạc của vũ kịch Hồ Thiên Nga sang tổ khúc dành cho dàn nhạc như ông đã dự định. Tổ khúc này được chuyển thể sau khi ông mất, bởi một nhà soạn nhạc vô danh.

Buổi diễn được chỉ huy bởi nhạc trưởng Christopher Zimmerman, Giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Fairfax tại Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm