Đến 2030, TP.HCM sẽ có nền giáo dục hiện đại

Sáng 26-8, tại Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ Sở GD&ĐT TP.HCM, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra phiên chính thức.

Góp phần đổi mới căn bản và toàn diện ngành GD&ĐT

Phát biểu chỉ đạo đại hội, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đánh giá trong nhiệm kỳ qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tham mưu kịp thời cho Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành nhiều chính sách thiết thực.
Sở cũng mạnh dạn tiên phong trong đổi mới, triển khai hiệu quả nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp đột phá, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện ngành GD&ĐT.

Trong nhiệm kỳ tới, ông Khuê đề nghị Đảng bộ Sở GD&ĐT TP.HCM lãnh đạo thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình, các đề án, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP đề ra. Ngành GD&ĐT cũng cần tạo môi trường học tập để học sinh thích học, thích đi học…

Mặt khác, Đảng bộ Sở GD&ĐT phải tiếp tục đổi mới công tác quản trị, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Đồng thời tập trung các giải pháp đột phá trong công tác cải cách hành chính, đổi mới và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ nhằm nâng cao tỉ lệ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công giáo dục. Bên cạnh đó là phát triển đội ngũ nhà giáo đủ chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp GD&ĐT trong tình hình mới.

Ngoài ra, Đảng bộ sở phải thật sự chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, tân Bí thư Đảng ủy Sở GD&ĐT TP.HCM, phát biểu tại đại hội. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Nguyễn Văn Hiếu đắc cử bí thư Đảng ủy sở

Chiều cùng ngày, đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Sở GD&ĐT TP.HCM, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 18 người. Ngay sau đó, Ban chấp hành Đảng bộ Sở GD&ĐT TP đã họp phiên đầu tiên và bầu ra Ban Thường vụ Đảng ủy Sở GD&ĐT gồm năm người.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, được bầu giữ chức bí thư Đảng ủy Sở GD&ĐT TP, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Lê Hồng Sơn và ông Nguyễn Huỳnh Long được bầu làm phó bí thư.

Phát biểu bế mạc đại hội, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định ngành GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục xứng đáng với niềm tin của nhân dân, tạo môi trường học tập lành mạnh cho học sinh.

Ngành GD&ĐT TP.HCM sẽ tiên phong trong quá trình đổi mới, triển khai thực hiện các đề án như: Đề án khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020-205; Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời trong giai đoạn 2020-2030...

Ngành GD&ĐT TP cũng sẽ tập trung phát triển mô hình trường học tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập.

Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030, TP.HCM sẽ có nền GD&ĐT tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; thực sự là một trung tâm GD&ĐT và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Những chỉ tiêu đáng chú ý trong nhiệm kỳ mới

Trước đó, trình bày về nội dung phương hướng trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Huỳnh Long, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Sở GD&ĐT, cho biết Đảng bộ Sở GD&ĐT đã đặt ra 10 chỉ tiêu để phấn đấu đến năm 2025. Cụ thể, một số chỉ tiêu đáng chú ý như sau:

Đến năm 2025, đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi).

Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của sở được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4, kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và TP.HCM.

Hằng năm, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính và tỉ lệ hài lòng chung của người dân đối với dịch vụ giáo dục công đạt 90% trở lên.

80% trường tiểu học được học hai buổi/ngày, 60% trường THCS và 80% trường THPT học hai buổi/ngày trên mỗi quận, huyện.

90% trẻ từ ba tuổi học mẫu giáo; 99% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi; giảm tỉ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%.

50% học sinh TP sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam, 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế. 90% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 30% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm