Đến cái kim, cái khuy áo… cũng phải nhập

Chủ tịch Vinatex Trần Quang Nghị đã nêu những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối mặt: “Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật rất sự thật là chúng ta ở cạnh một cường quốc dệt may khổng lồ. Riêng phần trợ giá cho xuất khẩu mình đã thua, chưa kể quy mô sản xuất của họ là một đại công xưởng giúp các doanh nghiệp (DN) dệt may của Trung Quốc có chi phí sản xuất thấp hơn”.

Chủ tịch Vinatex cũng nêu một thực tế các DN lớn đặt hàng tại Việt Nam đều chỉ định vải của Trung Quốc. “Chúng tôi đặt vấn đề với họ là chúng ta may cho họ và lấy vải của Việt Nam. Chúng ta chấp nhận giá bằng Trung Quốc, thậm chí rẻ hơn nhưng họ nói nếu lấy vải của ông thì quy mô sản xuất của ông nhỏ. Khi đơn hàng của họ bùng nổ lên, cần lượng vải lớn thì các ông không đáp ứng được” - ông Nghị nói.

Ở khía cạnh khác, ông Nghị cho hay những DN cổ phần hóa sâu thì anh em làm rất tốt nhưng những DN cổ phần hóa “cạn” thì hoạt động kiểu “ăn xổi”. “Ông chủ thật” bám thị trường, chăm sóc khách hàng, quản trị sản xuất, tinh giản biên chế, giảm chi phí. Nhưng “ông chủ giả” - người làm thuê thì làm chừng mực vừa phải, theo nhiệm kỳ” - ông Nghị thẳng thắn nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét ngành dệt may đang làm tốt hai khâu đầu và cuối là sợi và may nhưng điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ, nhuộm… Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng; không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn.

“Quan trọng nhất là vướng mắc cái gì, giống việc 1 m vải vào phòng kiểm tra ba lần. Đề nghị Bộ Công Thương xem lại tất cả hạng mục hàng hóa liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, nếu còn bất hợp lý thì cắt giảm đi” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới