Đến Hong Kong, sứ mệnh của ông Ramos là gì?

Ngày 9-8, tại cuộc họp báo ở tổng lãnh sự quán Philippines tại Hong Kong, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos tiếp tục nói với báo giới về mục đích chuyến đi Hong Kong của ông với tư cách đặc phái viên của tổng thống Philippines.

Reuters đưa tin ông Ramos cho biết: “Công việc của tôi chủ yếu là tìm những người bạn cũ có liên hệ với các quan chức cao cấp ở Bắc Kinh. Công việc của tôi không phải là đàm phán mà là giúp để mở đường, phá băng và hâm nóng tình hữu nghị với Trung Quốc (TQ)”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi ở đây vì sứ mệnh thiện chí chứ không liên quan đến đàm phán hay trao đổi chính thức”.

Theo AP, ông Ramos dự kiến sẽ gặp một số bạn bè cũ có quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Động thái này là tiền đề cho các cuộc tiếp xúc khác.

Ông khẳng định ông tin tưởng các bạn bè cũ ở đặc khu Hong Kong cũng như Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến.

Cựu Tổng thống Fidel Ramos tại cuộc họp báo ở Hong Kong ngày 9-8. Ảnh: STRAITS TIMES

Ông nói ông đã lập ra danh sách các chuyên gia và các quan chức mà ông hy vọng sẽ gặp.

Thế nhưng ông chỉ công bố tên một người mà ông sẽ gặp là ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông) của TQ.

Theo báo Straits Times (Singapore), khi được hỏi về cựu Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh, ông Ramos cho biết vẫn chưa quyết định gặp hay không.

Cựu Tổng thống Fidel Ramos khẳng định ông sẽ không bàn đến phán quyết trọng tài.

Ông nói trong chuyến đi của ông, ông chỉ tập trung vào các lĩnh vực có chung lợi ích giữa Philippines và TQ như du lịch và đánh bắt cá chung.

Ông nói vùng đánh bắt chung ở biển Đông bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng các ngư dân TQ vẫn xem đó là “ngư trường truyền thống”.

Ông khẳng định: “Phải sử dụng biển Đông như một nơi cứu người chứ không phải giết người hay hủy hoại mạng sống”.

Ngày 9-8, chính phủ TQ vẫn chưa thông báo chính thức về chuyến đi của cựu Tổng thống Fidel Ramos.

Tân Hoa xã cùng ngày tiếp tục đăng bài xã luận nêu chuyến đi của ông Ramos mang đến tràn trề hy vọng rằng hai nước sẽ quay trở lại đàm phán song phương về tranh chấp ở biển Đông.

Tân Hoa xã đánh giá chuyến đi của ông Ramos có thể mở ra một chương mới trong giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, cùng ngày 9-8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida đã lên án TQ phải chịu trách nhiệm về tình hình quan hệ song phương xấu đi.

Nguyên nhân do các tàu cá và tàu chiến TQ liên tục xâm nhập vào khu vực quần đảo Senkaku do Nhật quản lý bất chấp Nhật phản đối.

Theo thông báo chính thức, Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu đại sứ TQ tại Nhật Trình Vĩnh Hoa đến.

Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida nói với ông Trình Vĩnh Hoa: “Quan hệ hai nước đang trở nên nghiêm trọng do phía TQ cứ muốn đơn phương thay đổi các sự việc”.

Ông nói thẳng với đại sứ TQ: “Chúng tôi không thể khoan dung cho các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng”.

Đây là lần thứ hai trong năm ngày qua, Nhật phản đối TQ đưa tàu vào quần đảo Senkaku.

Tân Hoa xã đưa tin ngày 9-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh cho biết TQ sẽ tổ chức hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 13 về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông vào ngày 16-8 tại khu tự trị Nội Mông (TQ). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân và các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao các nước ASEAN sẽ tham dự hội nghị. Bà Hoa Xuân Oánh cho biết TQ sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông.

__________________________________________

Tôi luôn luôn là người rất lạc quan, luôn luôn tìm kiếm các kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc thái độ của các nhà lãnh đạo TQ.

Cựu Tổng thống FIDEL RAMOS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm