Ngư dân Ninh Thuận mong có tàu hiện đại hơn để vươn khơi

Ngư dân Ninh Thuận mong có tàu hiện đại hơn để vươn khơi

(PLO)- Tỉnh Ninh Thuận đã cơ cấu lại nghề cá theo hướng tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn, có thể vươn khơi dài ngày để bám biển, đánh bắt đúng pháp luật và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước với bờ biển dài hơn 105 km. Rất đông người dân ở đây bao đời bám biển làm sinh kế.

Thế nhưng nguồn lực hải sản đang ngày một suy giảm, sự thiếu hụt về kinh phí khiến ngư dân gặp khó, nhiều gia đình ngư dân tại Ninh Thuận bày tỏ mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ để họ có thể vươn khơi xa, đảm bảo sinh kế cho gia đình.

Nhiều ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận mong được hỗ trợ để có tàu công suất lớn vươn khơi bám biển dài ngày hơn. Ảnh: QUỐC VŨ

Nhiều ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận mong được hỗ trợ để có tàu công suất lớn vươn khơi bám biển dài ngày hơn. Ảnh: QUỐC VŨ

Kinh tế gia đình dựa vào biển

Xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) có bốn thôn thì tới ba thôn là biển, kinh tế biển chiếm trên 70% kinh tế của xã. Toàn xã hiện có 387 tàu cá, trong đó 125 tàu đánh bắt xa bờ.

Vợ chồng anh Trần Văn Toán đã bám biển mười mấy năm nay. Anh Toán cho biết 15 năm qua, kinh tế cả gia đình phụ thuộc vào nghề biển. Tuy nhiên, hiện tại nếu chỉ dựa vào biển thì hai vợ chồng khó cáng đáng được các chi phí trong gia đình và nuôi ba con đi học.

“Nghề biển giờ không còn như xưa nữa. Nguồn tài nguyên không còn phong phú như trước. Hôm nào may mắn thì kiếm được 700.000-800.000 đồng, còn không chỉ đủ tiền dầu” - anh Toán nói và cho biết để có thêm thu nhập, vợ chồng anh chuyển qua nghề lặn hái rong biển.

Hiện Nhà nước đang có chính sách cho vay để ngư dân mua tàu cá lớn hơn, phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ nhưng vợ chồng anh Toán không dám vay. “Gia đình tôi chỉ có một lao động chính, lại nuôi ba con ăn học nên sợ không trả nổi chi phí hằng tháng. Thu nhập hiện tại cũng chỉ đủ lo ngày ba bữa” - chị Trang (vợ anh Toán) bộc bạch.

“Tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ để cho vay với chính sách thoáng hơn, giúp ngư dân có thêm kinh phí để tăng công suất tàu cá, có thể đánh bắt xa bờ...”

Ngư dân Nguyễn Tuấn

Gánh vác cả gia đình có bảy anh chị em nhưng có đến năm người mắc bệnh, anh Đặng Văn Thêm nói nếu chỉ dựa vào nghề biển thì không biết trụ đến khi nào. Chưa kể, anh còn chăm lo cho vợ và ba đứa con. “Để bớt gánh nặng chi phí, đã có lúc tôi tính cho con nghỉ học” - anh Thêm nói.

Anh Thêm từng vay vốn diện hộ nghèo để mua sắm tàu, ra khơi kiếm thêm thu nhập cho cả nhà nhưng bao nhiêu tiền làm ra cũng chỉ đủ trả tiền đã vay hằng tháng cùng các chi phí khác. Vợ anh cũng phải đi làm thêm với thu nhập khoảng 100.000-200.000 đồng/ngày.

Trăn trở để gánh vác kinh tế gia đình, anh Thêm cũng muốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị trên tàu, nâng công suất tàu lên để đánh cá xa hơn nhưng không thể. “Vay nữa thì tôi e lo không nổi. 400-500 triệu đồng mới đủ một con tàu nhỏ, rồi chi phí cho trang thiết bị” - anh Thêm nói và cho biết đã quen với nghề biển nên khó chuyển công việc khác.

Còn vợ chồng ông Nguyễn Thoại đã có 50 năm lênh đênh trên biển. Chừng đó thời gian, biển giúp ông nuôi sống được gia đình bảy người nhưng cũng chỉ vừa đủ đắp đổi qua ngày.

Đến nay khi đã ngoài 60 tuổi, vợ chồng ông vẫn phải chăm lo cho người con trai 45 tuổi không may bị tàn tật. Sức khỏe yếu dần, ông Thoại cũng không dám vay tiền để mua sắm thêm tàu nữa vì không còn sức. Để trang trải, ông cùng vợ nhận thêm việc lặt vặt, đan lưới chờ ngày biển êm để ra khơi...

Tuyên truyền để ngư dân
đánh bắt đúng tuyến

Thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy hải sản của Ninh Thuận qua thị trường châu Âu. Những năm qua, hội nghề cá đã phối hợp với các chi hội, cơ sở địa phương tuyên truyền, vận động bà con ngư dân không khai thác trái phép, vi phạm các quy định IUU; cùng các địa phương khác lập hội để tháo gỡ thẻ vàng…

Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, thông báo cho bà con ngư dân không khai thác trái phép các vùng biển nước ngoài, không để xảy ra tranh chấp trên biển.

Ông NGUYỄN HỮU ÁI, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Ninh Thuận

Mong có tàu lớn vươn khơi xa

Một chiếc tàu đủ công suất để vươn khơi xa, cải thiện kinh tế là ước mơ của nhiều ngư dân. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, thế nhưng hầu hết các ngư dân không dám vay vì lo không đủ khả năng trả nợ.

Gia đình anh Nguyễn Sơn thuộc diện hộ cận nghèo của xã, cũng bám biển hơn 15 năm. Vậy nhưng khi nhắc đến chính sách cho vay của Nhà nước, anh Sơn bảo anh biết nhưng không dám vay. “Đi gần không đủ ăn, đi xa không đủ sức do thiếu kinh phí mua sắm tàu, mua đồ nghề. Tôi cũng mong có đủ kinh phí để làm tàu cá lớn hơn nhưng sợ khi vay rồi, thu nhập không đủ thì không biết lấy gì trả ngân hàng hằng tháng” - anh Sơn nói.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Tuấn chia sẻ suốt 20 năm bám biển, anh không biết có thể làm nghề gì khác. Tàu cá của anh chưa đủ công suất để đánh bắt xa bờ, anh cũng không đủ vốn để đầu tư thêm.

Bà con ngư dân bao đời qua bám biển mưu sinh, rất mong được hỗ trợ nhiều hơn để có đời sống tốt từ phát triển kinh tế biển. Ảnh: QUỐC VŨ

Bà con ngư dân bao đời qua bám biển mưu sinh, rất mong được hỗ trợ nhiều hơn để có đời sống tốt từ phát triển kinh tế biển. Ảnh: QUỐC VŨ

Ngoài bản thân, gia đình, anh Tuấn cũng trăn trở với đời sống của bạn thuyền, bạn tàu đi cùng. “Tôi mong chính quyền hỗ trợ để cho vay với chính sách thoáng hơn; giúp ngư dân có thêm kinh phí để tăng công suất tàu cá, có thể đánh bắt xa bờ...” - anh Tuấn nói.

Chia sẻ với PV, ông Đào Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết khó khăn hiện nay là ngư dân của xã chưa nắm hết pháp luật khi đánh bắt trên biển để tự bảo vệ mình. Bà con cũng cần nguồn kinh phí lớn để đóng tàu lớn hơn.

Theo ông Thường, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân nhưng chỉ áp dụng với những tàu lớn, quy định theo công suất. Do đó, ông hy vọng sẽ có thêm sự hỗ trợ với những tàu cá nhỏ để họ cũng đủ điều kiện đánh bắt xa bờ.

“Có tàu lớn họ sẽ vươn khơi, đánh bắt xa bờ, đi xa hơn thì nguồn lợi hải sản cũng nhiều hơn, thu nhập sẽ tăng lên” - ông Thường nói và khẳng định việc này sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.•

Tập trung phát triển đội tàu công suất lớn và đánh bắt đúng luật

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Khắc Lâm (ảnh) cho biết Ninh Thuận được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Thời gian qua, nghề cá của tỉnh phát triển khá mạnh mẽ.

“Toàn tỉnh hiện có hơn 2.270 tàu cá, trong đó hơn 800 tàu có công suất lớn, thường xuyên đăng ký khai thác vùng biển khơi. Sản lượng đạt 126.000 tấn/năm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương” - ông Lâm thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng cao, chi phí đầu vào tăng nên một số tàu cá hoạt động không hiệu quả; thậm chí có tàu cá nằm bờ do thua lỗ. Cạnh đó, ngư trường đánh bắt, nguồn lợi thủy hải sản giảm đã dẫn tới hiệu quả, năng suất đánh bắt của tàu cá giảm. Cơ sở hạ tầng các cảng cá cũng xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá hiện đại...

Nghị quyết phát triển kinh tế biển của tỉnh xác định rõ nghề cá là một trong những lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương nên cần tập trung đầu tư. Ông Lâm cho hay để thực hiện chủ trương này, ngành nông nghiệp của tỉnh đã cơ cấu lại nghề cá theo hướng tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn, có thể vươn khơi dài ngày để bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, Chính phủ, các cấp, các ngành đã huy động nhiều nguồn lực để tháo gỡ thẻ vàng. Tỉnh Ninh Thuận cũng đang rất nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Thường trực Bộ NN&PTNT về vấn đề này.

“Trong một thời gian dài, Ninh Thuận không có tàu cá nào vi phạm. Đây là điều đáng mừng. Dù vậy, chúng tôi không chủ quan mà luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị, hạn chế thấp nhất các thiệt hại không đáng có” - ông Lâm khẳng định.

...........................

Hôm nay, chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' đến với tỉnh Ninh Thuận

Trong hai ngày 13 và 14-6, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” chính thức đến với bà con ngư dân tỉnh Ninh Thuận với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Cụ thể, ngay trong sáng nay, chương trình sẽ phối hợp với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Ngọc Minh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.000 ngư dân ở hai xã Cà Ná và Phước Diêm.

Ngư dân Ninh Thuận mong có tàu hiện đại hơn để vươn khơi ảnh 4

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (hàng trên cùng, bìa trái), Trưởng ban tổ chức chương trình, làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận để kiểm tra kế hoạch toàn bộ chương trình vào chiều 12-6. Ảnh: HUỲNH HẢI

Vào ngày 14-6, chương trình sẽ tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên một số gia đình ngư dân gặp hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần vươn lên trong làm ăn và tuân thủ tốt việc đánh bắt hải sản trên biển.

Tối cùng ngày, chương trình sẽ phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao tặng 200 bộ quà tặng (gồm: Bình ắcquy + đèn LED + áo phao + túi thuốc với những loại thuốc cần thiết, cùng cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên) cho ngư dân địa phương. Chương trình và tỉnh Ninh Thuận cũng dành tặng 30 suất học bổng (3 triệu đồng/suất), cùng nhiều sách tập, thực phẩm dinh dưỡng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của chương trình); ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Nghề cá Việt Nam; Bộ NN&PTNT…

Cùng với đó là sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị; Huyện ủy, UBND các huyện và đông đảo bà con ngư dân tỉnh nhà.

Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh, Đại sứ của chương trình, cũng sẽ đồng hành với các hoạt động “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại Ninh Thuận.

Trước đó, chương trình cũng đã trao 200 phần quà của chương trình cho ngư dân huyện Cần Giờ, TP.HCM. Mới đây, ngày 10-6, chương trình đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 200 phần quà cho ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; trao 30 suất học bổng cho con em của bà con ngư dân vượt khó, học giỏi. Đáng chú ý, báo Pháp Luật TP.HCM đã phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”, với sự tham gia thảo luận, hiến kế, đưa ra các giải pháp thiết thực về vấn đề này từ nhiều chuyên gia, các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật trên biển.

Ban tổ chức mong muốn chương trình sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển, góp phần cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

Chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đọc thêm