Ngày 28-12, Pháp Luật TP.HCM có bài “Cần dẹp loạn vỉa hè như quận 1 đã từng làm!” phản ánh thực trạng những vỉa hè, lòng đường ở một số nơi tại TP.HCM bị chiếm dụng để kinh doanh.
Bài viết trên đã thu hút được nhiều bình luận của bạn đọc bày tỏ mong muốn các địa phương nên xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mạnh tay. Đồng thời, một số bạn đọc còn cho rằng các cán bộ khi xử lý dẹp loạn vỉa hè cần phải quyết liệt như quận 1 đã từng làm.
PLO ghi nhận lại một số bình luận của bạn đọc quan tâm về vấn đề này:
- Cần phải trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ chứ không vì quyền lợi của một nhóm nhỏ người mà lấy mất đi quyền của nhiều người. Chỉ khi nào các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý những người buôn bán lấn chiếm thì cảnh quan ở TP này mới thông thoáng, văn minh được. Các địa phương hãy thực hiện dọn dẹp lòng, lề đường như một vài năm trước đã từng làm ở quận 1- bạn đọc Thạch Trần
- Đề nghị cần xem lại cách làm việc của cán bộ những địa phương nào để tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm. Trên thực tế, tôi thấy ở một số tuyến đường tại TP các xe đẩy và người bán hàng rong tràn luôn xuống đường, buổi chiều thường kẹt xe. Những giờ cao điểm như thế sao không thấy bóng dáng của những cán bộ phường, xã đi làm nhiệm vụ? - bạn đọc Nguyễn Hùng.
- Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi vỉa hè toàn thành phố bị chiếm dụng buôn bán, mất an ninh trật tự vệ sinh môi trường?-bạn đọc Huỳnh Thương.
- Không gì không thể thực hiện được. Chí không làm và không muốn làm, hoặc không dám làm mà thôi. Món lợi quá to, quá ngon... thì không ai chê. Chuyện lòng lề đường, một chuyện dài và không bao giờ có hồi kết - bạn đọc Út.
- Tất cả phải sống theo hiến pháp và pháp luật. Không thể có chuyện ai vì lợi ích riêng mà lấn chiếm không gian chung bất chấp pháp luật để kinh doanh vỉa hè...Hay là luật chưa nghiêm?- bạn đọc Bình Võ.
- Tôi thấy nhiều nơi vẫn kẻ vạch cho người dân buôn bán một phần trên vỉa hè, phần còn lại chừa cho người đi bộ. Phần được phép buôn bán thì phải ngăn nắp, sạch sẽ, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ai vi phạm, lấn chiếm thì xử lý nghiêm để làm gương. Làm như vậy, người dân nghèo vừa có thu nhập từ việc buôn bán trên vỉa hè, người đi bộ cũng có phần vìa hè để đi. Lợi cả đôi đường - bạn đọc Từ Quân.
-Tôi thấy phường 4, quận Tân Bình lâu nay vẫn làm tốt bài toán kinh tế vỉa hè ở đường Lê Bình đó thôi. Trên vỉa hè, chính quyền phường kẻ vạch, phân lô cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường bốc thăm để bán hàng quán ăn uống trên vỉa hè. Cùng một ô, sáng thì chị A. Bán bún bò, chiều thì anh B. Bán nước mía. Tất cả những người bán hàng phải giữ vệ sinh sạch sẽ, không xả rác bừa bãi nơi đó, không lấn chiếm lằn ranh kẻ vạch qua lối của người đi bộ... Tôi thấy họ đã duy trì bao năm nay chuyện này, không hiểu sao các nơi khác không làm theo?-bạn đọc Hà Vy.
- Vỉa hè cần ngăn nắp. Nhưng không phải chỉ là dẹp, không nên chỉ dùng biện pháp thuần hành chính. Cần có tư duy mới về quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Mục tiêu cuối cùng là vỉa hè ngăn nắp, sạch sẽ, người dân vẫn sống được vào kinh tế vỉa hè - bạn đọc Phú Khang.
- Làm gì cũng phải có lộ trình. Đối với những vỉa hè đã bị lấn chiếm mấy chục năm qua không thể nói dẹp là dẹp ngay được. Bởi khi dẹp thì biết bao nhiêu người sẽ bị thất nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Vì thế, nhà nước phải có một chính sách nào đó hỗ trợ việc làm cho người dân để họ tiếp tục kiếm kế sinh nhai. Theo tôi nghĩ, trước tiên các địa phương phải ra lệnh cấm được đặt bảng hiệu quảng cáo ở dưới vẻ hè. Nếu dẹp được bảng hiệu dưới vỉa hè thì hãy tính chuyện dẹp những xe đẩy lấn chiếm - bạn đọc Trung Tuấn