Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn xảy ra nhiều ở một số nơi tại TP.HCM. Lý do là vấn đề về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè hiện nay còn nhiều bất cập.
Cán bộ đô thị phường kiểm tra, xử lý những người buôn bán chiếm vỉa hè ở đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh. Ảnh: CTV
Người đi bộ gặp nạn vì vỉa hè bị chiếm
Theo ghi nhận của PV, hiện ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phục vụ kinh doanh. Cụ thể như tình trạng chiếm cả vỉa hè và lòng đường ở đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) làm chợ tự phát khiến khu vực này thường xuyên kẹt xe trong những giờ cao điểm. Hay tại một số đoạn ở đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), các cửa hàng bày bảng hiệu, bàn ghế chiếm hết vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ.
Bức xúc trước tình trạng chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, anh Nguyễn Quốc Hùng (phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết: “Ngày nào tôi đi làm cũng chạy xe ngang đường Nguyễn Xí đoạn ra đường Phạm Văn Đồng. Đoạn này sáng nào cũng kẹt xe vì người dân buôn bán giữa đường và chiếm hết vỉa hè. Có hôm đang chạy xe trên đường thì người đi bộ từ vỉa hè bước xuống, suýt chút nữa đâm phải xe tôi. Vỉa hè bị chiếm, người đi bộ đành phải bước xuống lòng đường, nếu không may bị xe đụng phải thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây?
Tôi thấy trước đây ở quận 1 có một đợt làm rất mạnh tay và tạo thành làn sóng đến các quận, huyện khác về việc xử lý người chiếm lòng đường, vỉa hè. Cả TP mình nên có nhiều đợt như thế để dân biết sợ và lâu dần tạo thành thói quen”.
“Đoạn đường trước nhà tôi có vỉa hè được lát gạch khang trang nhưng buổi sáng thì những xe đẩy bán thức ăn dọn hết phần vỉa hè, buổi chiều thì quán nhậu bày bàn ghế, đậu xe bít cả lối đi bộ. Chưa hết, có những đoạn các cửa hàng đặt bảng hiệu, bày hàng hóa kín mít, không còn lối đi. Vì thế, những người đi bộ buộc lòng phải xuống lòng đường đi.
Có những hôm không có lối đi ở vỉa hè, tôi đi xuống lòng đường thì bị xe máy đụng phải, đã bị đau mà còn bị chửi.
Luật quy định rõ vỉa hè là dành cho người đi bộ, nếu có kinh doanh, mua bán gì thì cũng chừa ra lối vừa đủ cho người đi bộ chứ đâu có chiếm hết như vậy!” - chị Nguyễn Thị Lan (phường 7, quận Gò Vấp) than thở.
Một quán nhậu trên đường Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp bày bàn ghế chiếm hết vỉa hè. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Hình thức chế tài phải mạnh hơn
Thực tế cho thấy các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cho biết: Phường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý người vi phạm đối với những tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Ngoài ra, phường còn thực hiện kẻ vạch sơn nhằm xác định lối đi trong vỉa hè cho người đi bộ.
“Nhìn chung khi thực hiện kế hoạch đã đề ra thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh được cải thiện. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những tuyến đường bị lấn chiếm.
Những người lấn chiếm ở đây thường là những người bán hàng rong, không có chỗ buôn bán ổn định nên phường khó xử phạt; nếu có phạt thì mức phạt rất thấp, 200.000 đồng/cá nhân vi phạm nên không đủ sức răn đe. Ngoài ra, do lực lượng tuần tra, kiểm tra còn ít và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành nên chưa phát hiện và xử lý kịp thời” - ông Tân cho biết thêm.
Theo ông Đặng Hồng Chuyên, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh, thì khó khăn lớn nhất trong quá trình quản lý, sử dụng vỉa hè là do luật quy định chưa rõ về hình thức cưỡng chế người vi phạm.
Cụ thể, ông Chuyên cho biết khi phát hiện vi phạm thì phường sẽ nhắc nhở và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi phường ra quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không chấp hành đóng phạt thì cũng không có biện pháp nào để cưỡng chế quyết định xử phạt hành chính đó. Tại phường 13 có trường hợp vi phạm và bị phạt nhiều lần nhưng người vi phạm không đóng phạt. Đặc biệt, để tránh bị tăng nặng mức phạt vì vi phạm nhiều lần, người vi phạm đã nhờ một người trong gia đình xin giấy phép kinh doanh mới để tiếp tục kinh doanh.
Vì thế, theo ông Chuyên, khi ra quy định mới cần phải xem lại điều kiện cấp giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè quá nhiều lần.
“Theo tôi, để việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè có hiệu quả thì các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý mạnh tay hơn. Cần thiết có đoàn kiểm tra liên ngành cấp sở và làm quyết liệt để răn đe. Ngoài ra, cần có quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Có như thế, người vi phạm mới nghiêm túc chấp hành và không dám vi phạm nữa” - ông Chuyên đề xuất.•
Phải chừa lối đi cho người đi bộ Sở GTVT TP.HCM đã có tờ trình UBND TP về việc xem xét dự thảo thay thế Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND để ra những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Theo tờ trình của Sở GTVT TP.HCM thì hiện tại việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố có một số bất cập. Chẳng hạn như quy định chưa chi tiết điều kiện hè phố cần có để tổ chức các hoạt động có tính chất khác nhau như trông giữ xe hai bánh, ô tô, kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa... Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra quy định về điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố là mọi hoạt động phải chừa chiều rộng hè phố cho người đi bộ ít nhất 1,5 m. |