Dệt may Việt Nam khởi sắc nhưng...

(PLO)- Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 47-47,5 tỉ USD; cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 42-43,5 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Trung Quốc đang cung cấp lượng lớn nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thế giới, trong đó có dệt may. Cũng như các nước, Việt Nam đang nhập lượng lớn nguyên phụ liệu từ thị trường này. Nếu Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero COVID-19 thì đây là thách thức về ổn định nguồn cung".

Trao đổi với PLO, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết như trên khi phân tích về hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2022.

. PV: Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng mạnh với 22,2%, đạt 11,8 tỉ USD. Thực tế thì trong nước, nhiều doanh nghiệp dệt may thông báo kết quả kinh doanh khá tích cực. Có được kết quả này là nhờ yếu tố nào, thưa ông?

+ Ông Vũ Đức Giang: Trong bốn tháng đầu năm, ngành dệt may có nhiều yếu tố thuận lợi để có kết quả khởi sắc như vậy.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng mạnh với 22,2%, đạt 11,8 tỉ USD. Ảnh: VINATEX

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng mạnh với 22,2%, đạt 11,8 tỉ USD. Ảnh: VINATEX

Thứ nhất là Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero COVID-19 nên đây cũng là một thuận lợi để dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng khi đón nhận sự chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thứ hai là với 14 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là hiệp định RCEP cũng bắt đầu có hiệu lực, đây chính là động lực để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, cơ cấu lại thị trường.

Thứ ba là chính sách của Việt Nam kịp thời và đúng đắn, đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine, mở cửa thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa tổ chức sản xuất...

. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của ngành dệt may trong thời gian từ nay đến cuối năm?

+ Trước hết, về các thách thức, ngành sẽ phải đối mặt với những khó khăn do phải cạnh tranh nguồn lực khi cùng lúc mở ra nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ ở một số địa phương. Khó khăn liên quan đến sự kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc đang cung cấp lượng lớn nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thế giới, trong đó có dệt may. Cũng như các nước, Việt Nam đang nhập lượng lớn nguyên phụ liệu từ thị trường này.

Phải nói rõ Trung Quốc cũng nhập của Việt Nam, nhưng chúng ta nhập khẩu của họ với tỷ trọng nhiều hơn. Do vậy, nếu Trung Quốc mở cửa toàn diện thì không quá lo ngại, nhưng nếu họ vẫn thực hiện chính sách zero COVID-19 thì đây là thách thức về ổn định nguồn cung.

Khó khăn tiếp theo là áp lực phát triển theo đòi hỏi của thị trường. Như châu Âu đang đưa ra những chính sách yêu cầu các sản phẩm dệt may khi xuất khẩu vào châu Âu phải dùng các sản phẩm tái chế, trong đó có tái chế từ sợi của quần áo cũ...

. Việc châu Âu yêu cầu hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải dùng sợi từ các sản phẩm tái chế, ví dụ như tái chế từ sợi của quần áo cũ, ở Việt Nam đã có doanh nghiệp nào áp dụng chưa, thưa ông? Và ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển từ sợi cây gai, sợi cây sen, lá dứa...?

+ Tỷ trọng sợi từ lá dứa hay cây sen chỉ phục vụ cho một lượng khách hàng cực kỳ nhỏ, rất khó để thương mại hóa đưa ra thị trường đại chúng. Sợi dây gai có thể đưa vào thị trường, nhưng tỷ trọng cũng không nhiều, chỉ ở khoảng 1-2%.

Tuy nhiên chúng tôi cũng đang khuyến khích phát triển sợi từ cây gai vì đây cũng là một trong những giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may. VITAS đang theo dõi và khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Còn việc dùng sợi tái chế từ quần áo cũ thì thế giới, hay gần ta nhất là Trung Quốc, Đài Loan đã áp dụng nhiều. Không phải quần áo cũ nào cũng dùng được mà phụ thuộc từng chủng loại khác nhau. Riêng tại Việt Nam thì bây giờ mới đầu triển khai.

. Ngoài những khó khăn nêu trên, ngành dệt may Việt Nam thời gian tới sẽ có những thuận lợi nào tạo đà cho doanh nghiệp tăng tốc, phát triển?

+ Ngoài những khó khăn, thách thức thì bối cảnh phát triển của ngành dệt may năm 2022 cũng có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là xu thế toàn cầu đang dần mở cửa trở lại trong điều kiện dịch COVID-19. Ngay như với Trung Quốc, hiện giờ họ cũng có những thay đổi trong kiểm soát dịch bệnh.

Thứ hai, vấn đề sống còn của dệt may Việt Nam là giải pháp cho nguồn cung thiếu hụt thì hiện ngành, VITAS cũng đang thúc đẩy xúc tiến các chương trình đầu tư vào phát triển nguồn cung nguyên liệu sản xuất cho ngành.

Ngoài ra, VITAS đã và đang xây dựng các chương trình, xúc tiến các luồng thông tin về phát triển xanh hóa ngành dệt may. Ngành dệt may Việt Nam cũng đề ra các giải pháp về vấn đề phát triển nguồn lực con người, nguồn lực quản trị...

. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng dệt may đạt 40,3 tỉ USD, với bối cảnh thuận lợi và thách thức như ông vừa phân tích thì năm nay, dự báo xuất khẩu ngành dệt may có lập nên kỷ lục mới?

+ Với các thuận lợi và thách thức như phân tích ở trên, tôi tin rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ có con số xuất khẩu khoảng 47-47,5 tỉ USD trong năm nay.

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.