Đi đâu cũng gặp... cầu yếu

Trong gần 1.100 cầu do Sở GTVT TP.HCM và các quận/huyện quản lý hiện có cả trăm cây cầu yếu. Chỉ riêng trong số gần 370 cầu do Sở GTVT quản lý đã có gần 40 cầu yếu hoặc không đồng bộ tải trọng với đường (chiếm gần 10%).

Cầu “bệnh” không được “nghỉ”

Cầu Bà Hom nằm trên tỉnh lộ 10, quận Bình Tân từ lâu được cắm biển hạn chế xe có tổng tải trọng trên 13 tấn đi qua. Cầu được xây trước năm 1975 và năm 2010 kết quả kiểm tra cho thấy mố trụ bị nứt, đầu dầm phía Bình Chánh bị hẫng, không thể kê lên gối cầu. Trong khi chờ xây cầu mới, giải pháp tạm thời là gia cường hai trụ giữa. Với đủ thứ “bệnh” như trên nhưng cầu Bà Hom hiện vẫn chưa được “nghỉ ngơi” do nằm trên tuyến huyết mạch nối TP. HCM với các KCN Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An.

Trên tuyến tỉnh lộ 10 dài hơn 7 km còn có các cầu Tân Tạo, Bà Lát và cầu Xáng đều cho xe 25 tấn đi qua. Gần cầu Bà Hom có hai đường nhánh Nguyễn Cửu Phú và Nguyễn Văn Cừ để thoát ra quốc lộ 1 và cao tốc TP. HCM - Trung Lương nhưng cả hai con đường nhánh và các cầu trên tuyến như cầu Ông Phủ, cầu Đập… đều bị hạn chế tải trọng 10-13 tấn. Vì sự không đồng bộ về tải trọng của đường và các cầu trên cùng tuyến tỉnh lộ 10 và các nhánh rẽ trên nên các dòng xe tải nặng, xe container đi-về giữa TP.HCM và tỉnh Long An không còn cách nào khác là vẫn phải đi qua cầu Bà Hom!

 

Cầu Bà Hom chỉ cho phép xe dưới 13 tấn nhưng nhiều xe container nặng 40-50 tấn vẫn qua lại mỗi ngày. Ảnh: LƯU ĐỨC

Từ năm 2005, tỉnh lộ 10B và cầu Tân Tạo mới được triển khai xây dựng nhằm “giải cứu” tỉnh lộ 10 và cầu Bà Hom. Nhưng đến nay đoạn tỉnh lộ 10B giáp ranh giữa quận Bình Tân và huyện Bình Chánh vẫn chưa xong vì vướng giải tỏa. Vì thế cầu Bà Hom vẫn phải gồng mình gánh các đoàn xe tải nặng, xe container qua lại mỗi ngày.

“Nhiều xe đầu kéo, kéo container rỗng có tự trọng đã trên 18-20 tấn rồi. Còn nếu có hàng thì phải trên 40 tấn. Nhưng nếu không cho qua cầu Bà Hom thì coi như đứt mạch lưu thông của tuyến này luôn!” - ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết.

Cầu yếu vẫn phải tăng tải

Thực hiện sự chỉ đạo của TP về tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với cầu yếu trên địa bàn, ngày 19-3, đoàn cán bộ Sở GTVT đi kiểm tra bốn cầu sắt trên địa bàn huyện Nhà Bè. Đó là cầu Rạch Đỉa 1 nối phường Tân Hưng, quận 7 với xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè; cầu Long Kiển nối xã Phước Kiển với xã Nhơn Đức; cầu Rạch Tôm nằm giữa xã Nhơn Đức và cầu Rạch Dơi nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè với xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Bốn cây cầu này đều nằm trên đường Lê Văn Lương, được làm từ trước năm 1975 bằng các dàn cầu sắt Eiffel hoặc Bailey theo kiểu dã chiến và đến tháng 3-2014, tải trọng cho phép chỉ 1-2 tấn. Cũng vì cầu quá yếu nên ở hai đầu của bốn cây cầu nay đều có chốt trực gác.

Ngày 21-4, trên trang web của Sở GTVT bất ngờ có thông tin Sở giao cho Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 thực hiện việc cắm biển hạn chế tải trọng của ba cầu là Rạch Đĩa 1, Rạch Tôm và Rạch Dơi điều chỉnh từ một tấn (1T) lên 3,5 tấn (3,5T). Theo một quan chức Sở GTVT, việc nâng tải trọng trên là do áp lực về lượng xe, người lưu thông trong khu vực gia tăng. Cạnh đó, Sở đã thực hiện một số biện pháp gia cường và sau khi kiểm định các cầu này rồi mới có quyết định như trên. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về cầu, khi cầu sắt đã cũ, yếu thì các biện pháp gia cường cũng chỉ nhằm giữ được tình trạng, tải trọng của cầu như cũ. “Còn cho rằng đã gia cường, sửa chữa rồi cho nâng tải lên gấp 3,5 lần thì… quá liều!” - vị chuyên gia nói.

Đẩy đưa phận cầu

Khoảng năm 2009, cầu Trắng trên đường Bùi Văn Ba, quận 7 bị hạ tải trọng từ 20 tấn xuống 16 tấn và sau cùng còn 13 tấn. Điều này làm các doanh nghiệp vận tải, cảng Biển Đông, Tân Thuận 2... xính vính. Vì với tải trọng này, các xe tải ra vào các cảng dù không chở hàng đều vượt quá tải trọng cầu Trắng. Do xe bị phạt gắt nên nhiều doanh nghiệp vận tải từ chối đưa xe vào cảng nhận hàng dẫn tới cảng bị ùn ứ hàng. Rồi đến lượt chủ tàu cũng từ chối vào cảng làm cảng bị giảm doanh thu. Các cơ quan chức năng cho rằng các doanh nghiệp xe, cảng trong khu vực cần bỏ tiền đầu tư sửa chữa cầu, trong khi các doanh nghiệp lại nói đây là việc của Nhà nước vì họ đã đóng phí bảo trì đường bộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cầu này không thuộc Sở GTVT quản lý. Còn quận 7 thì cho rằng đường và cầu lên xuống cảng biển phải do TP quản lý chứ cấp quận không có đủ kinh phí để quản lý, sửa chữa, duy tu thường xuyên những dạng công trình quy mô như thế!

Trong khi câu chuyện bị dây dưa, đẩy đưa như thế thì cầu Trắng vẫn phải cõng các đoàn xe quá tải “chạy lụi” qua mỗi ngày. “Tình trạng xe quá tải qua các cầu yếu sẽ làm phá vỡ kết cấu khiến chúng xuống cấp nhanh hơn, thậm chí có thể sập cầu bất cứ lúc nào. Chi phí để khắc phục, sửa chữa những sự cố như thế có khi là rất lớn!” - vị chuyên gia cầu đường nói.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

 

Nhân viên gác các cầu yếu nhiều lúc nhắc nhở tài xế hoặc sử dụng barie ngăn xe quá tải đi qua. Tuy nhiên, nhiều người không nghe mà còn hăm dọa anh em. Để tránh sập cầu, đề nghị thanh tra sở bố trí lực lượng túc trực tại một số cầu yếu nặng.

Ông LÊ HỮU CHÂU, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP (đơn vị quản lý cầu)

Các đội thanh tra Sở GTVT vẫn tổ chức lực lượng tuần tra ở các cầu yếu nhưng không đủ quân để có thể chốt cùng nhân viên gác cầu được. Để hạn chế xe quá tải qua cầu yếu, Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP nên đề nghị các khu quản lý giao thông đô thị và Sở cho lắp đặt các cổng sắt khống chế chiều cao các xe tải lớn đi qua.

Ông LÊ HỒNG VIỆT, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm