Đi đâu cũng về nhà trước chiều 30 Tết

(PLO)- Gác lại bộn bề, lo toan của năm cũ, ai cũng sắp xếp trở về nhà để kịp bữa cơm tất niên chiều 30 Tết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tâm thức người Việt, chiều 30 Tết vô cùng thiêng liêng, là dịp để trở về quây quần trong bữa cơm tất niên với gia đình. Gác lại những bộn bề, lo toan trong năm cũ, dù no hay đói, dù thành công hay thất bại, ai ai cũng cố gắng nhanh chóng sắp xếp công việc để đi về nhà.

Tết là để trở về

Cũng giống như nhiều gia đình khác, chị Lê Thị Hằng Nga (Bình Dương) cùng gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng tất niên chiều 30 Tết.

“Tôi đi làm xa nhưng Tết năm nào cũng sắp xếp công việc để về nhà. Có năm về từ 23 Tết, có năm 25 Tết, nhưng năm nay đến 29 Tết tôi mới về. Dù hơi muộn nhưng cuối năm được quây quần bên bữa cơm gia đình là vui rồi” – chị Nga tâm sự.

Vừa ngâm nếp để chiều nấu xôi cúng tổ tiên, chị Nga chia sẻ mâm cơm chiều 30 Tết đều do tay chị và mẹ chuẩn bị, có bánh chưng, nem, củ kiệu,... những món truyền thống ngày Tết. Bên cạnh việc tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, bữa cơm còn là dịp để các thành viên trong gia đình ngồi nói chuyện về thành, bại của năm cũ, chia sẻ về định hướng trong tương lai.

Trong bữa cơm cuối năm, tiếng cười đùa giòn tan, tiếng trò chuyện rôm rả của những người thân yêu xóa tan đi mọi khó khăn của năm cũ. Ở đó, chúng ta – đặc biệt là những đứa con xa nhà tìm thấy sự ấm áp, động viên và khích lệ.

Cũng giống chị Nga, anh Đỗ Nguyên Khôi (Long An) trở về ăn Tết sau 2 năm xa nhà, anh chia sẻ: “2 cái Tết rồi mới được quây quần bên cha mẹ, năm nay tôi cắt phép nghỉ để có nhiều thời gian ở bên gia đình hơn. Đi làm cả năm rồi, tiền thì kiếm bao nhiêu cho đủ, nhưng Tết là dịp để hướng về gia đình. Năm nay người thân mình còn đó nhưng ai biết được năm sau, cho nên phải trân trọng để cảm thấy may mắn khi còn có nhà để trở về”.

chiều 30 tết
Đi đâu cũng trở về nhà đón Tết. Ảnh: TH

Nhà ở trong “tim”

Trái với sự ấm áp, nô nức về nhà của hầu hết mọi người, vẫn nhiều người con xa xứ chỉ nhìn người thân, gia đình qua màn hình điện thoại. Anh Trần Hùng Dũng (Nghệ An) cho biết năm nay vì kinh tế khó khăn nên gia đình anh ở lại TP.HCM, không về quê đón Tết.

“Bữa giờ ngày nào tôi cũng gọi điện về cho bố mẹ, nhìn ông bà lủi thủi đón Tết mà ngậm ngùi. Ai chẳng muốn con cháu mình về sum vầy, thương lắm mà không biết làm sao cho đặng! Thân xác ở đây nhưng tâm trí lại ở nhà, nhớ cái Tết ấm áp, nhớ nồi thịt kho của mẹ, nhớ cảnh chở ba ra chợ mua cây mai, đào về chưng. Năm sau chắc chắc tôi sẽ dành dụm tiền để cả gia đình về đón Tết với ông bà” – anh Dũng bùi ngùi.

Anh Đinh Ngọc Tân, du học sinh tại Osaka, Nhật Bản cũng đón Tết ở nơi xứ người. Năm nay không về Việt Nam nhưng anh vẫn chuẩn bị bữa cơm tất niên chiều 30 Tết để ăn uống cùng bạn bè.

“Tôi nhớ hương vị ở nhà nên làm một bữa cơm nhỏ có thịt kho, bánh chưng, chả lụa,... không ngon bằng mẹ nấu nhưng cũng vơi đi nỗi nhớ nhà. Tôi thường gọi video về cho gia đình, nhìn không khí Tết ở nhà qua điện thoại cũng vui lây, thèm được sum vầy” – anh Tân bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm