Xu hướng ăn chay ngày Tết

(PLO)- Nhiều người chọn ăn chay ngày Tết để thanh lọc cơ thể, cầu phúc đức, may mắn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quan niệm người Việt, mùng 1 Tết là ngày khởi đầu của năm mới, “quyết định” may, rủi của cả năm. Do đó ngày này vô cùng đặc biệt và mang ý nghĩa tâm linh. Nhiều người chọn ăn chay vào những ngày đầu năm để tránh sát sinh, thanh lọc cơ thể và tâm hồn. Đồng thời cầu phúc đức và may mắn cho gia đình, người thân.

Ăn chay để cầu phúc đức

“3 năm nay tôi giữ thói quen ăn chay vào mùng 1-3 Tết, ngoài việc tránh sát sinh, tôi cảm thấy bữa ăn chay rất nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa, nhiều rau, giúp cơ thể nhẹ nhàng và khỏe mạnh. Ngày Tết đi đến đâu cũng thấy bánh chưng, thịt kho, chả lụa,... ngán lắm!”bạn đọc Thanh Lam.

“Ăn chay bây giờ rất hiện đại và đa dạng. Những món cơ bản trong mâm cỗ truyền thống ngày Tết như giò, nem, bánh chưng vẫn giữ nguyên, chỉ khác là làm từ thực vật. Đồng thời tránh nghiệp báo sát sinh những ngày đầu năm, cầu phúc đức và may mắn cho năm mới. Tôi ủng hộ việc cúng chay, ăn chay ngày Tết” – bạn đọc Tuấn Vũ.

“Sau một năm ăn mặn trường kỳ, cộng với thịt, cá ngập ngụa ở những buổi tất niên, Tết là dịp để ăn chay, vừa lạ miệng, ngon và độc đáo. Ăn chay ngày Tết giúp mỗi người hướng về điều lành, thanh lọc tâm hồn và mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe – bạn đọc Quang Lê.

ăn chay ngày Tết
Nhiều người chọn cúng chay, ăn chay ngày Tết để cầu phúc đức. Ảnh: Internet.

Cúng chay, ăn chay ngày Tết là điều nên làm

Đại đức – TS Thích Không Tú, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho biết theo phong tục người Việt, mùng 1 Tết là ngày đất trời giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là thời điểm thiêng liêng để cầu nguyện năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, bản thân nhận nhiều phước lành nên người dân thường chọn ăn chay, đi chùa lễ Phật và xin lộc. Do đó, ăn chay ngày Tết trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Trong Phật giáo, ăn chay được xem là cần thiết cho việc thanh lọc thân và tâm. Điều này không những giúp đời sống tâm linh hướng thiện mà còn nuôi dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống và bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, xuất phát từ giới thứ nhất (không sát sanh) trong 5 điều răn, người Phật tử tại gia thực hiện nếp sống ăn chay, phóng sanh và cứu vật.

Nói về mâm cúng chay, Đại đức – TS Thích Không Tú chia sẻ: “Mâm cỗ thể hiện tình cảm, tấm lòng thành của con cháu hướng về ông bà tổ tiên, người quá vãng. Điều này rất đáng trân quý nhưng sát sinh hại vật thì không tốt cho cả người sống lẫn người chết nên việc cúng mâm cỗ chay là điều nên làm trong ngày Tết, đó là cái duyên lành rất lớn”.

Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh không thể cúng cỗ chay, để tránh trực tiếp giết hại chúng sanh, các Tăng Ni sẽ khuyên gia chủ nên mua những con vật đã chết hay thực phẩm đã làm sẵn để dâng cúng. Điều này trong chừng mực nào đó vẫn chấp nhận được.

Đại đức – TS Thích Không Tú nhấn mạnh những người ăn chay cần lưu ý không nên tự cao tự đại, coi thường người không ăn chay. Không nên ăn quá sơ sài, cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Hạn chế chế biến thức ăn chay giả mặn. Quan trọng nhất, không nên vì vấn đề “chay - mặn” mà xảy ra xung đột, căng thẳng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm