Trong tâm thức người Việt, Tết không chỉ mang ý nghĩa khởi đầu năm mới mà còn là dịp hướng về tâm linh, tín ngưỡng.
Những ngày đầu năm, người Việt có thói quen tìm về các đền, chùa để cầu may, cầu phúc cho bản thân, gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Cũng có những người đi lễ chùa chỉ để tìm lấy giây phút bình yên, xua tan phiền muộn ở năm cũ, dành thời gian chiêm nghiệm, nhìn nhận lại những thứ đã qua.
Phong tục cầu may đầu năm mới
Chị Nguyễn Thị Hoài Thương, sống tại TP.HCM cho biết năm nào sau giao thừa, hoàn tất nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, chị và gia đình đều đến cửa chùa làm lễ để cầu may mắn.
“Đi lễ chùa vào đầu năm mới để cầu cho gia đình an lạc, sức khỏe, may mắn. Tôi cũng muốn lưu giữ truyền thống này cho con cháu sau này để phát huy văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam” – chị Thương tâm sự.
Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, ông Đinh Mạnh Hùng cho biết hằng năm, gia đình ông vẫn thường đi lễ chùa, đầu tiên là để lòng mình nhẹ nhàng, bình an, gác lại những bộn bề, lo toan để bình tâm nhìn lại quá khứ và định hướng bản thân trong tương lai. Sau đó là cầu may mắn cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Cầu may cần xuất phát từ tâm hướng thiện
TS Võ Minh Hải, Phó Trưởng khoa KHXH&NV, trường Đại học Quy Nhơn cho biết đi chùa lễ Phật cầu may là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Nó thể hiện tâm thức mong muốn một năm bình an, suôn sẻ và hạnh phúc. Đồng thời giúp con người an tâm trong cuộc sống và luôn thực hiện những điều thiện, tránh điều ác và nhất tâm làm việc tốt để phước lành luôn đến với mình và gia đình.
Cầu may cần bắt nguồn từ cái tâm hướng thiện, không phải cứ mâm cao cỗ đầy, lễ vật hậu hĩnh là được. Việc chuẩn bị lễ vật là điều không bắt buộc, đến cửa chùa, mọi người đều như nhau, đất phật cửa thánh luôn rộng mở để đón những người thiện lương.
“Do đó, cầu may cần chuẩn bị lễ vật hay lời cúng bái xuất phát từ tâm, từ tấm lòng hướng thiện. Lời cầu xin cần rõ ràng, phù hợp với tinh thần giáo hóa của nhà Phật và phong tục tập quán của dân tộc cũng như điều kiện cá nhân” – TS Hải nhấn mạnh.
Nói về việc nhiều người khi đi chùa thường để tiền lên bàn thờ để thể hiện lòng kính với Phật thay vì bỏ vào hòm công đức, TS Võ Minh Hải cho rằng đây là điều không nên, nó làm biến đổi ý nghĩa của sự kính ngưỡng đối với Bậc Đại Giác.
“Ta đến với cửa từ bi là để tìm kiếm lời răn dạy, sự an yên sau những bộn bề cuộc sống chứ không phải để buôn thần bán thánh. Vì thế bản thân tôi phản đối việc dúi tiền vào tay các tôn tượng, làm mất đi sự trang nghiêm, tôn kính” – TS Hải nêu quan điểm.
Cũng theo TS Hải, đối với việc cúng dường tiền vào thùng công đức, của ít lòng nhiều cũng rất quý, trợ giúp nhà chùa tiền hương hoa và sinh hoạt trong tự viện là điều nên làm. Sự trợ giúp của đại chúng sẽ giúp cho Chúng tăng yên tâm hơn trên con đường tu tập và hoằng pháp.