Di dời dân khỏi Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Mệnh lệnh từ lòng dân!

Di dời dân khỏi Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Mệnh lệnh từ lòng dân!

(PLO)- Để di dời hàng trăm người dân nhiều năm qua phải sống chung với ô nhiễm, khổ sở vì bụi, vì tiếng ồn là nỗ lực không mệt mỏi của tỉnh Bình Thuận cùng rất nhiều đơn vị, bộ ngành và đặc biệt là các cơ quan dân cử.

Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và quý I-2023.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 chỉ cách khu dân cư 80m.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 chỉ cách khu dân cư 80m.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ TN&MT; Bộ Công thương khẩn trương giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc di dời các hộ dân tiếp giáp với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 nhằm tạo hành lang an toàn môi trường cho khu vực dân cư.

Như vậy sau nhiều năm, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận và HĐND tỉnh Bình Thuận liên tục lắng nghe, liên tục tổ chức giám sát và có nhiều văn bản kiến nghị, đề nghị, câu chuyện người dân ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) sống chung với ô nhiễm đã bắt đầu được giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với tỉnh Bình Thuận.

Nhiều năm khổ sở vì ô nhiễm

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Trung tâm) có 5 nhà máy nhiệt điện than, trong đó có 4 nhà máy đã đi vào vận hành gồm: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1; Vĩnh Tân 2; Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Có thể nói, chưa có nơi nào ở Việt Nam lại tập trung các nhà máy nhiệt điện than với công suất lớn ở một địa phương như xã Vĩnh Tân.

Một bãi xỉ khổng lồ ở Vĩnh Tân.

Một bãi xỉ khổng lồ ở Vĩnh Tân.

Tổng diện tích tự nhiên ở Vĩnh Tân chỉ khoảng 5.900ha thì các nhà máy nhiệt điện; cảng Vĩnh Tân và các bãi xỉ đã chiếm hơn 500ha gần bằng 10% diện tích tự nhiên của xã. Và nếu có thêm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, diện tích của Trung tâm sẽ tăng lên là hơn 710 ha.

Tuy nhiên nhờ công tác gặp gỡ, đối thoại nêu rõ đây là các dự án quan trọng của chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nên không ít bà con đồng thuận hy sinh lợi ích, chất lượng sống của mình.

Một căn nhà của dân ở Vĩnh Tân mở cửa ra là đầy bụi.

Một căn nhà của dân ở Vĩnh Tân mở cửa ra là đầy bụi.

Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, các dự án nhiệt điện than luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.Đáng chú ý, khu vực thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân nơi có khoảng hơn 300 nóc nhà chỉ cách tường rào Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng khoảng 80m, một khoảng cách quá gần và không an toàn.

Nếu ai từng đến đây từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm sẽ chứng kiến bụi bặm ngút trời bởi đặc điểm khí hậu tại khu vực này thường xuyên có gió lớn, gió xoáy. Nhiều gia đình có tiệc nếu dọn ra chưa kịp che chắn là bụi đổ ập vào ngay coi như tiệc tàn.

Chưa hết ngoài bụi bặm khủng khiếp, do ở gần nhà máy, người dân ở đây còn bị “tra tấn” bởi tiếng ồn đinh tai nhức óc thường xuyên.

Đoàn giám sát của Quốc hội gặp gỡ người dân thôn Vĩnh Phúc.

Đoàn giám sát của Quốc hội gặp gỡ người dân thôn Vĩnh Phúc.

Theo UBND xã Vĩnh Tân, các hộ dân tại khu vực tiếp giáp với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng ở thôn Vĩnh Phúc đều cho biết bụi than, tiếng ồn, thỉnh thoảng có mùi khét làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.

Về lâu dài các hộ dân đều cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em bởi trước khi có nhà máy nhiệt điện, sinh hoạt hàng ngày của người dân rất thuận lợi, môi trường trong lành.

Tuy nhiên thời gian gần đây, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng và cuộc sống gặp nhiều khó khăn hơn do bụi than, tiếng ồn, mùi khét và thỉnh thoảng có tiếng ồn rất lớn.

Nỗ lực của các cơ quan dân cử

Theo Bộ TN&MT, từ tháng 11-2017 đến 2019, hiện tượng bụi than phát tán vào khu dân cư thường xảy ra nhưng với tần suất ít và không liên tục, chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc.

Khoảng cách bị bụi bặm ảnh hưởng với khoảng cách lên gần nửa cây số.

Khoảng cách bị bụi bặm ảnh hưởng với khoảng cách lên gần nửa cây số.

Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, khi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động theo đúng quy mô và diện tích được giao thì bụi, tiếng ồn phát sinh đã tăng lên so với trước đó.

Trong năm 2021 và năm 2022 khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân vẫn bị ảnh hưởng bởi bụi, bụi than từ hoạt động của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với khoảng cách bị ảnh hưởng gần nhất là 80m và xa nhất là 495 m.

Ông Lê Quang Huy (thứ 3 từ trái sang) Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội và ông Nguyễn Hữu Thông (thứ 4 từ trái sang) Phó Đoàn ĐBQH Bình Thuận làm việc với lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Ông Lê Quang Huy (thứ 3 từ trái sang) Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội và ông Nguyễn Hữu Thông (thứ 4 từ trái sang) Phó Đoàn ĐBQH Bình Thuận làm việc với lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, năm 2020, UBND xã đã lấy ý kiến 387 hộ/1.639 khẩu ở thôn Vĩnh Phúc. Kết quả 233 hộ chiếm 60,21% có nguyện vọng di dời nếu nhà nước bồi thường thỏa đáng, hỗ trợ bố trí đất tái định cư nơi ở mới thuận lợi cho việc làm biển; có 23 hộ chiếm 6,08% chấp hành theo chủ trương của nhà nước (ở lại thì khắc phục môi trường, di dời thì hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng và có nơi ở mới phù hợp) và 131 hộ chiếm 34% có nguyện vọng ở lại nhưng đề nghị khắc phục ô nhiễm môi trường và tiếng ồn phát ra từ nhà máy.

Việc khảo sát này cho thấy phần lớn người dân đều có nguyện vọng di dời đến nơi ở mới đảm bảo môi trường, sức khỏe, tạo điều kiện hoạt động ngành nghề thuận lợi, hỗ trợ bồi thường thỏa đáng.

Ông Ba Cúc (Phan Cúc, 56 tuổi), Trưởng thôn Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua rất nhiều đoàn giám sát của Quốc hội; HĐND tỉnh đã đến khảo sát, lấy ý kiến nhưng việc di dời dân với hơn 60% người dân đồng tình vẫn chưa thấy thực hiện.

“Người dân chúng tôi phấn khởi và biết ơn Quốc hội lắm nhưng mong rằng nơi ở mới phải gần biển vì bà con ở đây đa phần mưu sinh bằng nghề biển. Nếu được vậy thì mệnh lệnh từ lòng dân ở đây đã sắp được thực thi”- ông Ba Cúc tâm sự.

Nhiều năm qua đã rất nhiều đoàn giám sát từ Quốc hội, Đoàn ĐBQH Bình Thuận; HĐND tỉnh Bình Thuận tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Nhiều năm qua đã rất nhiều đoàn giám sát từ Quốc hội, Đoàn ĐBQH Bình Thuận; HĐND tỉnh Bình Thuận tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, khu vực tái định cư đã sắp xếp để di dời dân nằm ở động Từ Bi có diện tích hơn 17ha, cách Trung tâm khoảng 3 cây số và sát biển.

“Chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phong rất vui mừng và mong bà con sớm được chuyển đến nơi ở mới.

Có được kết cục tốt đẹp này là những nỗ lực không mệt mỏi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chính quyền địa phương và đặc biệt là các cơ quan dân cử. Trong đó phải kể đến ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hay ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Đoàn ĐBQH Bình Thuận, những người đã luôn trăn trở sau mỗi lần giám sát và có những ý kiến xác đáng về vấn đề này”- Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong

Được biết, sau đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Bộ TN&MT vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng xem xét giao đơn vị chủ trì xây dựng, thực hiện đề án di dời dân và bố trí vốn thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả vào đầu quý II-2023.

6 năm qua, đã có hàng loạt công văn, văn bản kiến nghị được gởi đi và chỉ đến khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về làm việc với tỉnh Bình Thuận, câu chuyện dân sinh này mới được giải quyết dứt khoát.

Như vậy với rất nhiều “dùng dằng”, người dân thôn Vĩnh Phúc sắp được dọn đến nơi ở mới chất lượng hơn sau chỉ đạo đúng nơi, đúng địa chỉ của Chủ tịch Quốc hội mà nói như ông Ba Cúc đó là mệnh lệnh từ lòng dân!

Đọc thêm