Đi làm căn cước, vật vã vì thiếu ngày, tháng sinh!

Bà Bành Thị Hạnh (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) bị mất chứng minh nhân dân (CMND) nên đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH (PC64), Công an TP.HCM để làm thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD). Tuy vậy, bà Hạnh bị từ chối giải quyết vì trong hộ khẩu của bà không ghi ngày, tháng sinh.

Hộ khẩu ghi thiếu, không được giải quyết

Bà Hạnh cho biết lúc nhỏ do chiến tranh loạn lạc nên cha mẹ bà không làm giấy khai sinh cho con. Tuy vậy, khi bà Hạnh đăng ký thường trú thì được giải quyết và cấp CMND song trong hộ khẩu không được ghi ngày, tháng sinh. “Khi tôi mất CMND, phải đi làm lại, cán bộ thụ lý yêu cầu phải có giấy khai sinh mới xem xét giải quyết. Tôi phải nhờ người thân ở quê An Giang (nơi tôi sinh ra) xác nhận chưa đăng ký khai sinh để cầm về phường Bình Trị Đông đăng ký khai sinh trễ hạn. Kể ra nghe đơn giản vậy nhưng việc đi lại hoàn tất các công việc này là cả vấn đề” - bà Hạnh nói.

Theo Trung tá Võ Thành Tùng, Phó Đội trưởng Đội QLHC về TTXH Công an huyện Củ Chi, hiện nay người dân ở huyện Củ Chi cũng gặp vướng khi làm CCCD do hộ khẩu không ghi ngày, tháng sinh. “Khi muốn làm CCCD thì tất cả trường hợp này đều phải điều chỉnh, bổ sung ngày, tháng sinh vào hộ khẩu. Theo ước tính có khoảng 10% trong tổng số hồ sơ đăng ký cấp CCCD phải bổ sung thông tin này” - Trung tá Tùng nói.

Trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội Cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác thuộc PC64 TP.HCM, nói thêm: “Ngày, tháng, năm sinh trong hộ khẩu là căn cứ để cấp CCCD nên nếu thiếu sẽ không thể giải quyết được. Sau hơn ba tháng cấp CCCD, TP.HCM gặp vướng mắc lớn với các hộ khẩu không ghi ngày, tháng sinh. Chúng tôi chưa thống kê số liệu cụ thể nhưng ước tính là con số không nhỏ. Đa phần những người này đều lớn tuổi và việc tìm lại giấy khai sinh hay những giấy tờ liên quan là rất khó khăn. Thiết nghĩ Bộ nên có một hướng mở đối với những người lớn tuổi không phải mất thời gian ghi bổ sung ngày, tháng sinh vào hộ khẩu”.

Người dân làm thủ tục cấp CCCD tại Công an TP Vũng Tàu. Ảnh: TK

Người cao tuổi càng khổ sở

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu cấp CCCD từ đầu tháng 3-2016 và vướng mắc lớn nhất được ghi nhận cũng là việc sổ hộ khẩu nhiều người dân chỉ ghi năm sinh, không ghi ngày, tháng sinh. Thiếu tá Ngô Thị Vĩnh Hà, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Vũng Tàu, cho biết trong tuần đầu cấp CCCD, đội tiếp nhận hơn 270 hồ sơ hợp lệ. Trong đó có 90 trường hợp phải ghi bổ sung ngày, tháng sinh vào sổ hộ khẩu, hơn 30 trường hợp phải trả lại hồ sơ cho người dân. “Khó khăn lớn nhất trong việc cấp CCCD là trên sổ hộ khẩu của nhiều người dân không ghi ngày, tháng sinh” - Thiếu tá Hà nói.

Trung tá Nguyễn Xuân Bình, Phó Trưởng phòng PC64 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kể: “Có một ông cụ 70 tuổi đề nghị cấp CCCD nhưng không có bất kỳ giấy tờ nào ghi rõ ngày, tháng sinh. Ông ấy đề nghị ghi đại ngày nào cũng được nhưng chúng tôi không thể đồng ý. Các trường hợp có giấy tờ đối chiếu, chúng tôi vẫn tiếp nhận hồ sơ và đề nghị người dân cam kết, về địa phương điều chỉnh sổ hộ khẩu. Sau đó đến ngày nhận CCCD, chúng tôi sẽ kiểm tra đối chiếu lại mới trả thẻ”.

Trung tá Bình cũng khẳng định trường hợp cấp mới, cấp đổi CCCD thì không cần xuất trình sổ hộ khẩu…, nếu cấp lại thì không cần xác nhận của công an cấp xã. Tuy nhiên, quy định này chưa thể thực hiện được vì dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD hiện chưa có đầy đủ thông tin. Do đó quy trình cấp đổi, cấp lại CCCD cơ bản kế thừa quy trình cấp CMND trước đây. Nghĩa là người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu (bản chính) để cán bộ có thông tin về ngày, tháng, năm sinh.

Cũng có người dân thắc mắc việc điều chỉnh ngày, tháng sinh vào sổ hộ khẩu là phiền hà. “Tuy nhiên, theo tôi đây là việc cần thiết cho cả công tác quản lý và người dân. Ngoài ra, hệ thống máy nhập liệu cấp CCCD sẽ không tiếp nhận nếu thiếu thông tin. Vì thế, chúng tôi lưu ý người dân trước khi đi làm thủ tục cấp CCCD nên kiểm tra trước sổ hộ khẩu để điều chỉnh kịp thời” - Trung tá Bình nói.

Không phải lỗi của người dân

Theo Nghị định 05/1999 về CMND nêu người được cấp CMND là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Cơ sở tính tuổi là theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh. Trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội Cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác, PC64 TP.HCM, nói: “Bộ Công an hướng dẫn những trường hợp không nhớ ngày, sinh hoặc trước đây chưa ghi thì phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo đó, sau khi đã bổ sung đầy đủ ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh, người dân điều chỉnh trong sổ hộ khẩu rồi mới làm thủ tục cấp CMND”.

Trung tá Nguyễn Xuân Bình, Phó Trưởng phòng PC64, cho biết trước đây do trong sổ hộ khẩu không yêu cầu ghi đầy đủ ngày, tháng nên có cán bộ chỉ ghi năm sinh. Ngoài ra, có người không nhớ ngày, tháng nên chỉ ghi năm sinh vào tờ khai làm sổ hộ khẩu.

Bổ sung là cả quá trình

Việc bổ sung ngày, tháng sinh vào hộ khẩu phải căn cứ vào giấy khai sinh. Đa phần người dân ở huyện Củ Chi là từ các tỉnh, thành khác chuyển đến nên muốn làm giấy khai sinh thì phải quay về nơi sinh ra để xác nhận.

Việc điều chỉnh hoặc làm lại giấy khai sinh là cả một quá trình chứ không phải đơn giản. Chưa kể với những cụ già 70, 80 tuổi thì việc điều chỉnh này còn gặp khó khăn nhiều hơn.

Trung tá VÕ THÀNH TÙNG, Phó Đội trưởng Đội QLHC về TTXH Công an huyện Củ Chi

Điều chỉnh ngay để xét, cấp CCCD

Để linh động giải quyết cho những người dân đề nghị cấp CCCD thiếu ngày, tháng sinh, chúng tôi yêu cầu bộ phận cấp sổ hộ khẩu của đội ghi bổ sung ngay.

Theo đó, nếu người dân có giấy khai sinh, CMND hoặc các loại giấy tờ hợp lệ khác thể hiện ngày, tháng sinh thì tổ cấp sổ hộ khẩu đối chiếu điều chỉnh. Tuy nhiên, những người không có bất kỳ giấy tờ nào khác thì phải trả hồ sơ, chờ hướng dẫn.

Thiếu tá NGÔ THỊ VĨNH HÀ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Vũng Tàu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới