Trong thời gian giữ chức thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe luôn theo đuổi chính sách ngoại giao chủ động nhằm phục hồi vị thế của Nhật trên trường quốc tế. Nhật tích cực thúc đẩy quan hệ bạn bè, đối tác, đồng minh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ, theo tờ Japan Times.
Dưới thời ông Abe, Nhật được biết đến với chính sách ngoại giao và đầu tư đáng kể và trên nhiều lĩnh vực vào Đông Nam Á và Nam Á, bao gồm việc trở thành đối tác quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, Đối thoại Tứ giác An ninh (nhóm QUAD),..
“Kiến trúc sư” của bộ tứ QUAD
Nhận thấy sức ảnh hưởng và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc (TQ) ở châu Á-Thái Bình Dương (ADD-TBD), ông Abe đã đưa ra ý tưởng thành lập nhóm QUAD gồm 4 nước là Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật vào năm 2005 với mục tiêu là thúc đẩy thương mại tự do, đặc biệt là hợp tác quốc phòng an ninh.
Hiểu được vai trò của Ấn Độ trong việc cân bằng ảnh hưởng với TQ trong tương lai, ông Abe nỗ lực thuyết phục nước này vào bộ tứ. Vào năm 2007, trong chuyến công du Ấn Độ, ông Abe đã thúc đẩy khái niệm về một khu vực AĐD-TBD trong bài phát biểu “Sự hợp lưu của hai vùng biển” trước quốc hội Ấn Độ. Thủ tướng Abe khi đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Ấn Độ để tạo ra một “châu Á rộng lớn hơn”.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật) ngày 24-5-2022. Ảnh: AP |
Ông Abe cũng là người chủ trì cuộc họp đầu tiên giữa các lãnh đạo bộ tứ được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á tại Manila (Philippines) năm 2017. Từ đó, nhóm QUAD ngày càng phát triển. Nhóm đã tổ chức 4 cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao từ năm 2019 đến năm 2022, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào năm 2021 và sau đó là 2 cuộc hội đàm trực tiếp.
Dưới thời ông Abe, Nhật đã tích cực thúc đẩy “vòng cung tự do và thịnh vượng” hay còn được gọi là “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là nền tảng chính sách chiến lược của nhóm QUAD.
Chia sẻ với đài Al Jazeera, Hiệu trưởng trường An ninh Quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Úc - ông Rory Medcalf cho rằng: “Lịch sử sẽ ghi nhận ông Shinzo Abe là một trong những nhân vật quốc tế quan trọng nhất trong việc định hình địa chính trị của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Abe là người đi đầu trong việc xây dựng liên minh để bảo vệ các nền dân chủ, bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ và bảo vệ quyền của các quốc gia nhỏ hơn, theo tôn chỉ ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở’. Ông ấy là kiến trúc sư tận tâm nhất của bộ tứ và đặt ra giới hạn cho sự quyết đoán của TQ”.
Cứu vãn TPP, xây dựng chuẩn mực kinh tế
Trong bài nghiên cứu đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Matthew P. Goodman- Phó chủ tịch chương trình nghiên cứu các vấn đề kinh tế thuộc CSIS (Mỹ) cho biết ngoài việc nhiệt tình thúc đẩy hiệp định TPP, thủ tướng Abe còn là nhân tố quan trọng cứu hiệp định TPP khỏi nguy cơ sụp đổ khi năm 2017, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này.
Trước nguy cơ TPP phá sản, ông Abe đã thuyết phục 10 nước thành viên TPP khác và cuối cùng được các nước này ủng hộ thành lập hiệp định thương mại mới là CPTPP, phần lớn điều khoản thỏa thuận của CPTPP được giữ nguyên như TPP và để ngỏ khả năng quay trở lại của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo hồi năm 2019 khi hai người còn tại vị. Ảnh: AP |
Theo ông Goodman, ngoài vấn đề thương mại, ông Abe cũng đã để lại một di sản quan trọng trong việc xây dựng quy tắc và chuẩn mực kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, vào tháng 5-2015, ông Abe đã công bố "Đối tác về Cơ sở hạ tầng chất lượng" với các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường và tính bền vững nợ của các dự án cơ sở hạ tầng. Theo đó, Nhật sẽ viện trợ 110 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á trong 5 năm đi kèm với những yêu cầu về chất lượng cao.
Bên cạnh đó, năm 2019, khi Nhật là nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 - gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Thủ tướng Abe đã giành được sự tán thành của các nước trong nhóm về một bộ "nguyên tắc cơ sở hạ tầng chất lượng", đặt ra những yêu cầu về chất lượng của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở kỹ thuật số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Làm lành” với TQ, chú trọng ASEAN
Một thành tựu trong chính sách đối ngoại của ông Abe là ông đã vực dậy quan hệ Nhật-Trung vốn đã “chạm đáy” từ năm 2012, khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà TQ có yêu sách chủ quyền và gọi đó là quần đảo Điếu Ngư.
Trải qua một thời gian dài quan hệ đóng băng, đến năm 2017, ông Abe đã chủ động ngỏ lời với Bắc Kinh bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác chung trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của TQ. Sau đó, Bắc Kinh đã đáp lại bằng chính sách tăng cường đối thoại với Nhật.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm 2018. Ảnh: REUTERS |
Từ đó, hàng loạt các chuyến thăm cấp cao của hai bên được mở ra, trong đó có chuyến thăm của ông Abe tới Bắc Kinh vào năm 2018, ông Tập đến Nhật dự hội nghị G20 năm 2019 và định thăm Nhật vào năm 2020 nhưng bị hoãn do COVID-19. Hai bên cũng đã ký kết hàng loạt thỏa thuận để xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối ở các nước thứ ba và các thỏa thuận thương mại.
Trong bài viết trên trang Asan Forum, chuyên gia James J. Przystup của viện Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc ĐH Quốc phòng (Mỹ) cho rằng ngoài việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược với từng quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Abe cũng tập trung vào việc tăng cường các thể chế đa phương của khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Trong bài phát biểu tại Singapore vào hồi tháng 7-2013, ông Abe bày tỏ vui mừng rằng “ASEAN và Nhật đã vượt ra ngoài quan hệ kinh tế để xây dựng một mối quan hệ có trách nhiệm đối với an ninh của khu vực, đặc biệt là tự do hàng hải”. Ông Abe cũng khẳng định: “ASEAN, với tư cách là đối tác đặc biệt của Nhật, luôn là trọng tâm của chính sách đối ngoại của Nhật”.
Về pháp quyền trên biển, ông Abe nêu rõ 3 nguyên tắc cho các nước là đưa ra và làm rõ các yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thực hiện yêu sách và tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Trên thực tế, Nhật cũng đã nỗ lực giúp các nước ASEAN đảm bảo an ninh và tự do hàng hải, tự do trên không, đơn cử như Nhật đã cung cấp tàu tuần duyên cho Philippines, Indonesia,..