Địa ốc bung hàng thanh toán “siêu giãn” để hút khách

(PLO)- Thị trường nhiều cơ hội ấm lại vào quý III khi các giải pháp tháo gỡ trái phiếu, gói tín dụng được triển khai thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh thị trường giao dịch chững lại, tâm lý nhà đầu tư e ngại và lãi suất cho vay đang cao, nhiều chủ đầu tư (CĐT) bất động sản (BĐS) buộc phải xoay xở tìm cách mở bán tạo thanh khoản để vượt khó.

Thanh toán “siêu giãn”

Giữa lúc lãi suất ngân hàng cao làm khó người mua nhà, Cát Tường Group đã đưa ra chính sách thanh toán dễ thở nhất cho khách hàng khi mua hai dự án tại Bình Phước, Long An vừa mở bán.

Có thể vào cuối quý III-2023, thị trường BĐS mới ấm trở lại khi các đề xuất về sửa đổi nghị định, góp ý dự thảo luật rõ hơn. Thời điểm cuối quý III, nhiều khả năng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đã triển khai và phát huy hiệu quả.

TS CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tàichính, tiền tệ quốc gia

Theo đó, khi khách hàng thanh toán trước 20% giá trị, phần còn lại được hỗ trợ trả góp trong vòng bốn năm hoàn toàn miễn lãi. Đồng thời, CĐT còn đưa ra các chương trình hấp dẫn như chiết khấu 18%, tặng 20 chỉ vàng SJC… trừ trực tiếp vào giá bán, giúp khách hàng lời ngay gần 400 triệu đồng.

Với khách hàng lựa chọn phương án vay ngân hàng, CĐT sẽ hỗ trợ lãi suất trong 24 tháng đầu. Đợt này, tổng chiết khấu khách hàng nhận được có thể lên đến 24,6% tổng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, đăng ký giữ chỗ sẽ được nhận ngay 5 chỉ vàng SJC.

Đại diện Cát Tường Group cho biết doanh nghiệp đã ký kết hợp tác cùng bảy đại lý phân phối với khoảng 500 nhân viên kinh doanh. Các chính sách tháo gỡ thị trường được Chính phủ đưa ra đem lại nhiều kỳ vọng nên công ty quyết định bung hàng vào thời điểm này.

Tương tự, Tập đoàn Thắng Lợi cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về chiết khấu và tạo điều kiện thanh toán tốt nhất cho khách hàng tại một dự án ở Long An. Theo đó, với sản phẩm là nhà xây sẵn, khách hàng được nhận chiết khấu 29%-36%/giá trị sản phẩm khi chọn phương thức thanh toán 95%. Nếu tiết kiệm dòng tiền, khách có thể chọn thanh toán 20%, phần còn lại được giãn tiến độ 24 tháng, thậm chí 30 tháng.

Một dự án tại Long An được mở bán trong thời gian gần đây. Ảnh: M.LONG
Một dự án tại Long An được mở bán trong thời gian gần đây. Ảnh: M.LONG

Nếu có nhu cầu khai thác cho thuê, đơn vị phát triển dự án có gói cam kết thuê lại với lợi tức đến 240 triệu đồng trong 12 tháng. Nếu khách vay ngân hàng, CĐT sẽ hỗ trợ lãi suất đến 40 tháng, trừ thẳng vào giá của hợp đồng.

Ngay tại TP.HCM, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng vừa giới thiệu dự án căn hộ có vị trí tại TP Thủ Đức, phân khúc tầm trung dành cho thế hệ trẻ 8x, 9x. Chính sách thanh toán “siêu giãn” kéo dài đến 66 tháng, đây được xem là cách trả dần dài hơi nhất trên thị trường hiện nay. Đợt 1 chỉ thanh toán mức 4,5% giá trị nhà, thấp hơn nhiều so với con số 30% phổ biến trên thị trường.

Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết thị trường chững lại buộc các doanh nghiệp phải tự tạo thanh khoản, cơ cấu lại những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, đa dạng sản phẩm theo nhu cầu của người dùng.

“Thời gian thanh toán kéo dài giúp người trẻ giảm tối đa áp lực tài chính nên vẫn có thể kinh doanh, tạo thu nhập song song với việc sở hữu một căn nhà cho riêng mình” - ông Ngọc chia sẻ.

Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước

Theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia BĐS, CĐT buộc phải tự tạo thanh khoản để giải quyết an toàn dòng tiền và áp lực tài chính. Giải pháp chính là cơ cấu lại sản phẩm, triển khai các chính sách bán hàng với nhiều ưu đãi.

Lãi suất mới đây có hạ nhiệt nhưng thực tế vẫn đang khá cao. Bên cạnh đó, việc xét duyệt hồ sơ vay mua BĐS vẫn còn khá khó khăn. Vì thế để giảm áp lực lãi vay, người mua nhà ở thực rất cần có sự hỗ trợ từ CĐT.

TS Nhân đánh giá những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ gần đây là tín hiệu tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, năm 2023 BĐS khó có thể hồi phục mà phải mất ít nhất 2-3 năm. Hiện giá BĐS đã ở mức rất cao sau giai đoạn bùng nổ, thị trường cần thời gian để ổn định chứ không thể tăng mãi được. Hơn nữa, nhiều luật liên quan đến đất đai, BĐS đang được sửa đổi, phải vài năm nữa mới có thể đi vào cuộc sống.

“Thị trường có thể hồi phục nhanh hơn nếu khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư và người mua nhà. Doanh nghiệp BĐS phải tự cứu mình, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, thanh toán ưu đãi, pháp lý rõ ràng” - TS Nhân chỉ ra.

Đồng tình, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc rất quyết liệt với mục tiêu gỡ khó cho thị trường BĐS.

Thời gian qua, việc triển khai xây dựng các dự án rất khó khăn, doanh nghiệp khó có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện dự án. Ngay cả khi CĐT muốn giảm giá cũng khó thành công, bởi dự án vướng pháp lý khiến người mua ngần ngại.

Gỡ được pháp lý mới có thể giúp dự án tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, phục hồi thị trường. Chính vì vậy, TS Lực cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp ở góc độ chính sách, giúp các CĐT đẩy nhanh thủ tục, sớm khởi công các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.

Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM tăng trong hai tháng đầu năm

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 2 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 3-2023, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong tháng 2 có ba dự án đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với gần 4.500 căn nhà. Trong đó có hơn 3.900 căn hộ chung cư và 554 căn nhà ở thấp tầng.

So với cùng kỳ tháng 2-2022 thì số lượng nhà ở đủ điều kiện mở bán tăng 3.756 căn (tăng 508%), số lượng căn nhà thuộc phân khúc căn hộ trung cấp giá 20-40 triệu đồng cũng tăng 952 căn hộ.

Tính lũy kế đầu năm 2023, Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của năm dự án với hơn 7.700 căn nhà. Trong đó, khoảng 7.200 căn hộ chung cư và hơn 500 căn nhà ở thấp tầng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.