'Ế vốn' cho vay phát triển nhà ở xã hội

(PLO)- Hiện nay có nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn để phát triển ở xã hội nhưng qua rà soát lại không đủ điều kiện vay vốn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ tại Hội thảo Đột phá phát triển nhà ở xã hội do Báo Người Lao Động tổ chức tại TP.HCM sáng 28-3, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường nhà ở xã hội (NƠXH) đã sôi động trở lại trong hai năm qua. Tuy nhiên, hiện này vẫn còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư NƠXH vẫn gặp khó khăn, thách thức.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: N.CHÂU

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: N.CHÂU

Nguồn vốn chưa bền vững, lợi nhuận chưa thu hút

Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất, giải phóng mặt bằng khó khăn thì một nguyên nhân nữa là nguồn vốn chưa bền vững và lợi nhuận từ các dự án NƠXH chưa thu hút.

Do đó, ngoài việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý, TS Cấn Văn Lực còn kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. Ngoài ra, cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nguồn cung NƠXH.

Trong bối cảnh nhiều cá nhân, tổ chức cần tiếp cận nguồn vốn vay, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) thông tin: "Cho đến nay, dư nợ cho vay tại NHCSXH đạt 10.729 tỉ đồng với 29.577 khách hàng còn dư nợ.

Theo Nghị quyết 11 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH cho vay trong năm 2022 đạt 4.183 tỉ đồng với 11.545 khách hàng vay vốn.

Về nguồn vốn cho vay, NHCSXH được giao tổng số 15.000 tỉ đồng để cho vay chương trình NƠXH bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỉ đồng.

Do đó, nguồn vốn để cho vay chương trình này trong hai năm 2022 và 2023 là không thiếu. Cụ thể, đến nay danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỉ đồng, như vậy còn gần 7.000 tỉ đồng."

"Ế vốn" vì nhiều nguyên nhân

Lý giải nguyên nhân "ế vốn" cho vay, ông Huỳnh Văn Thuận đánh giá là do nguồn cung NƠXH tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có nhu cầu vay nhưng qua rà soát lại không đủ điều kiện. Đơn cử như nhiều đối tượng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng, đối tượng thuộc diện có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân…

Ngoài ra, một số dự án NƠXH chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH lại không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.

Từ những nguyên nhân trên, ông Thuận kiến nghị Bộ xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng. Cạnh đó, cần đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án NƠXH, tạo nguồn cung mới.

"Các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời kịp thời ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương"- ông Thuận kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm