Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: "Có những thủ tục làm nhà ở xã hội rất vô lý!"

(PLO)- Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận, thủ tục làm nhà ở xã hội có những việc rất vô lý
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong Hội nghị Sơ kết công tác Phát triển Nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 sáng 10-3, nhiều đại biểu đã cho biết việc triển khai làm nhà ở xã hội rất khó khăn, có thủ tục quy định rất vô lý.

"Nhà ở xã hội (NƠXH) vướng thủ tục đầu tư xây dựng, vướng thẩm định giá bán - thuê - mua, rồi xác nhận đối tượng mua NƠXH..., thủ tục luôn luôn triển khai rất chậm và kéo dài", ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu trong hội nghị.

Theo ông Khiết, thủ tục triển khai dự án NƠXH có những việc rất vô lý, ví dụ: dự án NƠXH thì được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất theo quy định rồi sau đó mới làm thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất này.

"Thủ tục là, dự án thương mại bình thường đã kéo dài rồi, NƠXH ngoài các thủ tục như nhà ở thương mại bình thường còn phải thêm các thủ tục khác của riêng NƠXH", ông Khiết nêu thực trạng.

Về các con số, Sở Xây dựng TP thông tin: giai đoạn từ năm 2016-2020, TP hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án NƠXH, tăng thêm 13,7 triệu m2 sàn NƠXH (trong khi chỉ tiêu con số này phải là 18 triệu m2 sàn).

"Chỉ tiêu 2021-2025, TP tăng thêm 2,5 triệu m2 sàn NƠXH, tuy nhiên đến nay, TP chưa làm được con số lẻ của mục tiêu này, cả mặt thủ tục pháp lý, cơ chế ưu đãi đều rất khó khăn", ông Khiết nói.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu trong hội nghị sáng 10-3 tại UBND TP.HCM. Ảnh: K.C

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu trong hội nghị sáng 10-3 tại UBND TP.HCM. Ảnh: K.C

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội TP thì dư nợ cho vay để thuê mua NƠXH thời gian qua (từ năm 2018 đến nay) khoảng 125 tỉ cho cho hơn 310 khách hàng.

"Một căn NƠXH rơi vào khoảng 700 triệu đến 1 tỉ đồng thì cũng khó khăn cho người thu nhập thấp, ví dụ 1 tỉ đồng 1 căn thì người vay phải có ít nhất 200 triệu đồng, người thu nhập thấp và người nghèo thì con số 200 triệu vô cùng khó khăn", ông Lệnh nói.

Ông Lệnh cho rằng về giải pháp lâu dài, chúng ta nên có chính sách cho thuê NƠXH chứ không chỉ là phải mua và sở hữu NƠXH, như mua hiện nay chỉ có 310 người dân vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội TP để mua thì quá thấp dù chính sách chúng ta là tốt.

Đại diện Sở QH-KT TP cho rằng Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, phải xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Quy định này đã được kế thừa trong Luật nhà ở hiện hành (Luật nhà ở năm 2014).

"Quy hoạch sử dụng đất của thành phố kỳ 2011 - 2020 không có xác định chỉ tiêu riêng cho đất xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ có chỉ tiêu chung về đất ở. Điều này dẫn đến lúng túng, thiếu chủ động trong tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội", đại diện Sở nói.

Theo vị đại diện Sở TN-MT TP, các dự án nhà ở xã hội được thực hiện trong thời gian qua chủ yếu là do chuyển công năng từ nhà ở tái định cư hoặc từ nhà ở thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

"TP vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với phát triển nhà ở, quá tải, việc quản lý, bảo trì còn nhiều bất cập", ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.

Theo ông Cường, mục tiêu đến 2030, TP sẽ khắc phục được hạn chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là các đối tượng nhà ở xã hội.

"Chúng ta cần thảo luận tìm ra giải pháp, như về quy trình hành chính trong lĩnh vực đất đai, tăng nguồn cung căn hộ bình dân, giá thấp, kết hợp với các chương trình đề án đột phá về đô thị thông minh, TP cũng sẽ có những giải pháp đồng bộ thúc đẩy thị trường BĐS trong thời gian tới", ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm