Dịch COVID-19 ở Thượng Hải, càng chống càng khó

(PLO)- Đã ba tuần phong tỏa nhưng dịch ở Thượng Hải vẫn càng chống càng khó và thành phố này trở thành tâm dịch nóng nhất Trung Quốc kể từ sau điểm dịch Vũ Hán năm 2020, lý do là gì?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, thành viên cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) Lôi Chính Long cho biết diễn biến dịch COVID-19 ở Thượng Hải vẫn rất quan ngại. Chuỗi lây lan cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát và dự báo trong thời gian tới số người nhiễm sẽ còn tăng cao, tờ South China Morning Post đưa tin.

Phát biểu tại Hội nghị về COVID-19 và các vấn đề vaccine do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức hôm 11-4, Đại sứ TQ Trương Quân cảnh báo dịch bệnh hiện tại vẫn chưa kết thúc và các biến thể của virus lây lan nhanh hơn đã lần lượt xuất hiện, vì vậy cộng đồng quốc tế không được mất cảnh giác. Chỉ khi tất cả quốc gia vượt qua đại dịch, thế giới mới có thể tuyên bố chiến thắng cuối cùng.

Đã 10 ngày qua Thượng Hải ghi nhận số ca nhiễm tăng liên tục. Hiện trung bình mỗi ngày TP này ghi nhận 20.000-25.000 ca nhiễm mới. Từ đầu tháng 3 đến ngày 12-4, Thượng Hải đã ghi nhận gần 227.000 ca nhiễm, trong đó 90% không triệu chứng, trở thành tâm dịch nóng nhất TQ kể từ sau điểm dịch Vũ Hán năm 2020.

Hệ lụy ngày càng nhiều

Việc quyết liệt thi hành chính sách “zero COVID” nhiều tuần qua đã gây ra quá nhiều hệ lụy về kinh tế lẫn an sinh xã hội ở Thượng Hải, theo South China Morning Post. Thượng Hải là trung tâm tài chính và thương mại quan trọng, đồng thời là nơi có cảng lớn nhất của TQ và với việc đóng cửa dẫn đến tình trạng thiếu xe tải, container chất đống, các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc chuyển hàng hóa thành phẩm từ nhà máy sang tàu.

Bệnh nhân COVID-19 cách ly tại một bệnh viện dã chiến ở TP Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 4-4. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Bệnh nhân COVID-19 cách ly tại một bệnh viện dã chiến ở TP Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 4-4. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trong nhiều tuần chính quyền chỉ cho phép nhân viên y tế, tình nguyện viên, nhân viên giao hàng hoặc những người có giấy phép đặc biệt được ra đường, khiến người dân không thể đi ra ngoài mua nhu yếu phẩm, trong khi các dịch vụ giao hàng bị quá tải. Phó Thị trưởng Thượng Hải Trần Thông cũng thừa nhận dù chính quyền đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng cơ bản như gạo và thịt, việc phân phối và giao hàng chặng cuối vẫn gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Hiện Thượng Hải cũng đang gấp rút thiết kế hàng chục ngàn giường bệnh và xây thêm bệnh viện dã chiến nhằm cách ly tất cả người nhiễm COVID-19 bất kể mức độ nghiêm trọng và cả những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Các nhà thi đấu, sân vận động trong nhà và khách sạn trong TP cũng đang được chính quyền nhắm tới chuyển đổi thành nơi cách ly.

Từ ngày 11-4, chính quyền Thượng Hải bắt đầu nới lỏng phong tỏa ở một số khu vực dịch ít nghiêm trọng, theo hãng tin Reuters. Cụ thể, khu vực nào không ghi nhận ca nhiễm trong hai tuần thì được xếp vào khu nguy cơ thấp nhất và người dân có thể di chuyển và mua sắm. Thượng Hải sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt đối với hệ thống mới, đồng thời giảm thiểu tác động của phong tỏa đối với người dân.

Tại sao càng chống càng khó?

Lý do hàng đầu là vì biến thể Omicron hoạt động quá mạnh, lan quá nhanh và số ca không triệu chứng quá nhiều (90%). Cụ thể, chuyên gia Alex Cook, trợ lý GS tại trường công lập Saw Swee Hock của ĐH Quốc gia Singapore, giải thích: “Vì biến thể Omicron rất dễ lây lan và hầu hết trường hợp nhiễm diễn tiến bệnh nhẹ, nên việc ngăn chặn khó hơn nhiều so với các biến thể trước đó”.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thượng Hải (SCDC) Phó Trần cũng cùng ý kiến rằng nguyên do khiến số ca nhiễm không triệu chứng chiếm đa số và tăng nhanh là do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, cụ thể là biến thể phụ BA.2 của nó. 84,5% số ca nhiễm là người từ 60 tuổi trở xuống và có sức khỏe tốt cũng là lý do khiến tỉ lệ nhiễm không triệu chứng cao.

Trước thực tế này, trợ lý GS Alex Cook nhận định rằng “mặc dù TQ có thể đã đạt được những thành công đáng kinh ngạc trong chính sách “zero COVID” cho đến gần đây nhưng vẫn chưa rõ liệu chiến lược này có còn khả thi trong kỷ nguyên Omicron hay không”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia hàng đầu TQ, dù biến thể Omicron có độc tính không cao, song vẫn có khả năng gây ra tử vong ở người nhiễm và giữ số ca nhiễm ở mức cao, làm hao tổn các nguồn lực y tế. Số người chết vì Omicron trên thế giới vẫn nhiều hơn vì biến thể Delta chỉ đơn giản là do Omicron lây lan nhanh hơn. Do đó theo họ, thực tế này chỉ ra rằng biến thể Omicron vẫn là một mối nguy rất nghiêm trọng đối với bất kỳ quốc gia nào và nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong một thời gian ngắn là cần thiết. Một phần lớn chuyên gia TQ vẫn đồng tình rằng chiến lược “zero COVID” (quét sạch F0 trong cộng đồng) của TQ vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19 hiện nay.•

“Zero COVID” có thể làm Trung Quốc thiệt hại 46 tỉ USD mỗi tháng

Một nhóm chuyên gia thuộc ĐH Trung Văn Hong Kong mới đây công bố một báo cáo dự đoán việc liên tục áp lệnh phong tỏa để kìm hãm sự lây lan của dịch COVID-19 có thể khiến TQ thiệt hại 46 tỉ USD, tương đương 3,1% GDP mỗi tháng, theo hãng tin Bloomberg.

Đáng chú ý, con số 46 tỉ USD trên chỉ mới là mức tối thiểu, dựa trên cơ sở các tỉnh, thành đóng góp khoảng 20% GDP của TQ đang phải áp dụng lệnh phong tỏa cục bộ. Thiệt hại sẽ lên đến hơn 90 tỉ USD mỗi tháng nếu các địa phương này hành động tương tự Thượng Hải, nghĩa là đưa ra chính sách phong tỏa nghiêm ngặt hơn và yêu cầu phần lớn người dân phải ở yên trong nhà.

Kịch bản xấu nhất mà nhóm nghiên cứu đưa ra là tất cả TP của TQ phải phong tỏa trong một tháng. Trong trường hợp đó, GDP toàn quốc giảm 53% trong thời gian phong tỏa.

Nhóm này cũng khẳng định rằng đợt phong tỏa chống dịch COVID-19 ở TQ hồi đầu năm 2020 đã khiến GDP thực của nước này giảm 19,4%, thay vì giảm 6,9% như con số thống kê chính thức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm