Dịch COVID-19 tấn công, bệnh viện siết phòng thủ

Từ ngày 29-4 đến 7-5, đã có bảy bệnh viện (BV) thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 gồm: BV đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc; BV Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở Đông Anh, Hà Nội; BV Phong - Da liễu trung ương Quỳnh Lập, Nghệ An; BV Phổi Lạng Sơn; BV đa khoa tỉnh Thái Bình; BV Quân y 105, Sơn Tây, Hà Nội và BV K trung ương, cả ba cơ sở.

Đáng chú ý, “thành trì” chống dịch là BV Bệnh nhiệt đới trung ương trở thành nguồn lây cho 15 tỉnh, thành khác với gần 70 ca nhiễm (tính đến 18 giờ ngày 7-5).

Trước tình hình trên, nhiều BV trong cả nước đã ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ ngoài vào.

Khu vực khai báo y tế tại BV C Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Rất cần sự khai báo trung thực của F2

BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết BV vừa đưa vào hoạt động trung tâm sàng lọc COVID-19 tiên tiến dành cho bệnh nhân ngoại trú.

“Trong quá trình sàng lọc COVID-19, nếu bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác… thì được chuyển tới phòng cách ly đặt bên trong trung tâm để được theo dõi. Trung tâm còn trang bị xe chụp X-quang phổi lưu động để sử dụng cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Ngoài trung tâm sàng lọc COVID-19 dành cho bệnh nhân ngoại trú, BV còn trang bị khu sàng lọc dành cho bệnh nhân cấp cứu.

Mỗi khoa trong BV cũng tổ chức chốt sàng lọc riêng để quản lý ra vào của bệnh nhân trong khoa và người nhà. Mỗi khoa cũng có một tổ dịch tễ để khai thác bệnh sử của bệnh nhân mới được chuyển vào, dù bệnh nhân đã được nhân viên khoa cấp cứu khai thác bệnh sử ngay khi đưa vào cấp cứu. Việc làm này đề phòng bệnh nhân hoặc người nhà khai báo không đúng thực tế khi mới vào cấp cứu do hoảng loạn, tâm trí chi phối” - BS Sóng nói.

BS Sóng chia sẻ: “Hiện có nhiều trường hợp F2 tự theo dõi sức khỏe tại nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác. Không loại trừ khả năng F2 mắc các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp… nên phải đến BV khám và điều trị. Nếu F2 khai báo trung thực tình trạng hiện tại, BV sẽ biết và tổ chức tiếp nhận, khám bệnh theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19. Trong trường hợp F2 không khai báo trung thực, chẳng may F2 chuyển thành F1 thì BV dễ rơi vào tình trạng nguy cơ. Do đó, rất mong tất cả F2 khi tới các BV khám bệnh nên khai báo trung thực”.

Tại BV Ung bướu TP.HCM, BS Võ Hồng Minh Phước, Trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp, cho biết bệnh nhân tới cổng BV phải thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn tay. Tới khoa khám, bệnh nhân thực hiện lại quy trình trên để đảm bảo lời khai được chính xác.

“Mỗi khoa điều trị bệnh nhân nội trú đều bố trí buồng cách ly. Trường hợp bệnh nhân ho, sốt, khó thở, thay đổi vị giác… sẽ được đưa vào buồng này để theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2” - BS Phước nói.

BS Phước còn cho biết BV hiện có trên 1.600 nhân viên y tế. BV đã lấy gần 160 mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2 và tất cả âm tính. Số còn lại cũng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. “BV hiện có hơn 540 bệnh nhân nội trú và tất cả được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Việc làm này nhằm sớm phát hiện bệnh nhân nội trú chẳng may bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ những người khác” - BS Phước cho biết thêm.

Lấy mẫu bệnh nhân điều trị nội trú tại BV Ung bướu TP.HCM để xét nghiệm SARS-CoV-2.  Ảnh: TRẦN NGỌC

Đà Nẵng: Xây dựng phương án ứng phó nhiều cấp độ

Ghi nhận nhanh tại Đà Nẵng, các BV đều đang thực hiện hết sức nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Tại BV 199 (Bộ Công an), việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân được triển khai ngay tại cổng. 100% phải khai báo y tế, mang khẩu trang, sát khuẩn tay và được đo thân nhiệt bằng nhiệt kế điện tử từ xa. BV đã bố trí phòng riêng cho những người có triệu chứng về hô hấp.

“Tất cả bệnh nhân điều trị nội trú hạn chế tối đa việc thăm nom. Mỗi người chỉ có một người nhà chăm sóc từ khi nhập viện cho đến khi ra viện. BV hạn chế thu dung điều trị nội trú, nếu có thể thì cho điều trị ngoại trú ngay và cấp đơn thuốc cho họ 1-3 tháng theo quy định” - BS Trương Xuân Hùng, Phó Giám đốc BV 199, cho biết.

Theo BS Hùng, BV đã bố trí khu riêng để phục vụ việc cách ly nếu xuất hiện ca dương tính hoặc nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Đơn vị cũng xây dựng phương án ứng phó với dịch ở các cấp độ khác nhau, thành lập đội ứng phó khẩn cấp, đơn vị truy vết, đồng thời chuẩn bị kỹ về thuốc thang, phương tiện để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Tại BV C Đà Nẵng, công tác phân luồng, sàng lọc bệnh nhân cũng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Tại khu sàng lọc bệnh nhân, toàn bộ nhân viên y tế được trang bị bảo hộ kỹ. Người dân thực hiện khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Những trường hợp có triệu chứng được cách ly, xét nghiệm ngay.

“Trong thời điểm này, chúng tôi yêu cầu đội ngũ y, bác sĩ của BV phải hết sức bảo vệ mình, không rời khỏi TP, tập trung công tác chuyên môn và đảm bảo giãn cách xã hội. Đợt dịch trước là những kinh nghiệm quý cho chúng ta để ứng phó với đợt dịch này. Tôi nghĩ Đà Nẵng đang làm tốt” - lãnh đạo BV C Đà Nẵng cho hay.

Tương tự, công tác phòng dịch tại BV Đà Nẵng cũng được triển khai quyết liệt theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. BV bố trí khu riêng dành cho người có triệu chứng hoặc có liên quan đến dịch tễ. Nếu xuất hiện trường hợp nghi nhiễm thì được xét nghiệm ngay, bệnh nhân không được rời khỏi BV trong thời gian chờ kết quả.

Trừ các trường hợp nặng cần người chăm sóc, người nhà bệnh nhân không được vào BV. Bệnh nhân và người nhà phải được xét nghiệm tầm soát kỹ, có kết quả âm tính với COVID-19 mới được vào BV.

Trong trường hợp tiếp nhận bệnh nhân nặng, phải cấp cứu ngay thì BV sẽ xử lý như một ca nhiễm COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ trong suốt quá trình cấp cứu. Khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì đội ngũ y tế mới trở lại làm việc bình thường, trường hợp nghi ngờ thì cách ly ngay để kiểm tra, xét nghiệm.

Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết

Nhiều chuyên gia đánh giá nếu dịch bệnh bùng phát tại BV thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng gấp nhiều lần và thực tế đã được chứng minh bằng chính con số lây nhiễm trong những ngày qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định từ việc xuất hiện chùm ca bệnh trong BV giúp ta rút ra nhiều bài học. Đặc biệt là bài học liên quan môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.

Ông Long cho rằng BV là nơi phát hiện các trường hợp lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại đây rất cao. Bộ Y tế yêu cầu tất cả BV phải sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục đối với nhân viên y tế cũng như nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Bài học là cần triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Những ngày qua, Bộ Y tế liên tiếp gửi các công văn đề nghị các BV, cơ sở khám chữa bệnh siết chặt quy trình phòng chống dịch COVID-19. Bộ Y tế cũng đề nghị các bác sĩ, nhân viên y tế trong thời gian này thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến rạp chiếu phim, công viên giải trí...

Hiện nay, một số BV cả tuyến trung ương và địa phương xuất hiện tình trạng lây chéo giữa người bệnh và nhân viên y tế.

Do đó, các cơ sở y tế phải hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Đồng thời rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám chữa bệnh hợp lý..., không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2 m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các BV cần định kỳ tổ chức xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế, bệnh nhân ở các khoa, phòng có nguy cơ cao, người bệnh dễ chịu ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 như điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới