Điểm mặt một số thực phẩm tự nhiên có độc tố

Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, một số thực phẩm tự nhiên chúng ta vẫn thường dùng lại chứa lượng độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí là tử vong nếu không được chế biến đúng cách. Dưới đây là một vài thực phẩm quen thuộc chứa độc tố mà người tiêu dùng cần nắm.

Sắn

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biế sưắn là một trong những loại thực phẩm chính trên thế giới, cung cấp chế độ ăn kiêng cơ bản cho hơn nửa tỷ người. Nhưng bạn hãy nhớ rằng việc chuẩn bị sắn không đúng cách có thể để dư thừa lượng acid cyanhydric,một chất độc có thể gây chết người.

Do chất độc trong sắn dễ bay hơi, dễ hoà tan trong nước, có thể bị ôxy hoá thành chất không độc... nên cách tốt nhất để loại bỏ chất độc trong sắn là lột vỏ, sau đó ngâm trong nước lạnh hoặc nước vo gạo nhiều giờ trước khi luộc. Khi luộc mở nắp nồi để chất độc bay hơi. Nên thay 2-3 lần nước để làm giảm bớt độc tố.

Măng tươi

Măng là món ăn được nhiều người lựa chọn đưa vào bữa ăn thường ngày. Chúng ta thường lựa chọn chế biến khi măng còn tươi nhưng bạn có biết rằng măng tươi rằng có chứa các glycosid cyanogenic, cùng một chất độc chứa trong sắn. Những chất độc này có thể được tiêu hủy bằng cách nấu chín kỹ, bởi vậy bạn nên luộc măng trước khi chế biến theo những cách khác.

Khoai tây 

Bạn đừng lo lắng vì khoai tây là một loại rau củ hoàn toàn an toàn, thế nhưng khoai tây mọc mầm lại gây hại khi tiêu thụ. Những mầm khoai tây này chứa các hợp chất độc hại được gọi là glycoalkaloids. Khi ăn phải chất này bạn cs thể bị tiêu chảy, chuột rút, đau đầu, thậm chí là hôn mê, tử vong. Ngay cả khi cắt bỏ những mầm này đi thì bạn cũng không nên sử dụng. Do đó, các nhà khoa học khuyên bạn nên vứt bỏ những củ khoai tây có màu xanh lục và mọc mầm.

Nấm

Không dễ để bạn có thể phân biệt đâu là nấm an toàn hay có chứa độc tố. Ở nấm, độc tố nằm trong toàn bộ cây, và có thể thay đổi theo mùa, quá trình sinh trưởng, đất đai hoặc khí hậu... thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, có thể gây tử vong.

Ngoài ra, các loại nấm đều có khả năng hấp thụ các kim loại nặng, kể cả các chất phóng xạ, do đó bạn không nên chọn hái nấm dọc theo các con đường hoặc gần nhà máy… Một số loại nấm độc thường gặp là nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám, nấm ô tán trắng phiến xanh…

Để phòng ngộ độc nấm, tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ được sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm đó không chứa chất độc hại. Tốt nhất là chỉ mua nấm của các cơ sở có uy tín. Ngoài ra, khi hái nấm cần sơ chế và sử dụng ngay, nếu để lâu ngày, không bảo quản cẩn thận, nấm bị ôi và nát cũng có thể chuyển thành gây ngộ độc.

Các loại đậu

Trong đậu sống có chứa loại độc tố độc hại không vị là lectin, đặc biệt có nhiều trong đậu đỏ và đậu thận. Tuy nhiên chúng sẽ được loại bỏ bằng cách nấu chín, do đó người tiêu dùng nên đun sôi ít nhất 10 phút vì đậu nấu chưa chín sẽ không thể tiêu diệt độc tố, gây ngộ độc khi ăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm