Điểm mặt những trường có trẻ bị xâm hại tình dục

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

Theo đó, trong hai năm (2017 – 2018), toàn quốc xảy ra 2.643 vụ với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong đó có 515 vụ dâm ô, 1.259 vụ giao cấu, 906 vụ hiếp dâm trẻ em.

Đến nay, cơ quan tố tụng quận 4, TP.HCM vẫn chưa khởi tố vụ ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy.

“Tuy nhiên, đây là những trường hợp bị phát hiện, xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự, cho nên con số trên mới là phần nổi của tảng băng chìm…”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục trong các trường hợp bị phát hiện, xử lý năm 2018 giảm 3,8% so với năm 2017, nhưng tính chất vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nạn nhân bị xâm hại tình dục có cả những trẻ em tuổi mầm non, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức (hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh)…

Điển hình, vụ việc ba trẻ em Trường tiểu học Đồng Hóa B (huyện Kim Bảng, Hà Nam) bị xâm hại tình dục; bảy trẻ ở Trường tiểu học Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu); 13 trẻ ở Trường tiểu học - THCS Tam Lập (huyện Phú Giáo, Bình Dương); 9 trẻ thuộc Trường tiểu học xã An Thượng A (huyện Hoài Đức, Hà Nội); hàng loạt trẻ em từ 12-14 tuổi trường dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) bị thầy hiệu trưởng xâm hại tình dục.

“Ngoài ra, có vụ em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục (Vĩnh Long). Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau). Em gái 9 tuổi bị xâm hại tình dục trên đường đi học về (Hà Nội). Em gái 14 tuổi bị cha đẻ là quân nhân xâm hại tình dục suốt 4 năm (Bắc Giang)...”, Bộ LĐ-TB&XH dẫn chứng.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đạo, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cơ quan công an các cấp, đặc biệt cấp huyện, trong việc xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mô hình điều tra thân thiện đối với trẻ em và người chưa thành niên. Xây dựng quy trình, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ chuyên biệt đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Đối vớ Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến việc giám định pháp y trong Luật giám định tư pháp để bảo đảm thu thập chứng cứ nhanh chóng, kịp thời đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em: “Tăng quyền yêu cầu giám định của gia đình, người giám hộ…”, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị.

                                Tổng đài hỗ trợ trẻ em

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã hỗ trợ, can thiệp 214 ca xâm hại tình dục trẻ em năm 2017 và 250 ca năm 2018. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người quen, hàng xóm là 59,06%; người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,12% và bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới