Điểm tên 7 hành vi gian dối về liêm chính học thuật ​

Bảy hành vi sai phạm phổ biến nhất được chỉ ra gồm: xé lẻ kết quả nghiên cứu, tô hồng kết quả, lạm dụng chữ kí, trích dẫn thiên vị, che giấu dữ liệu, dùng sai dữ liệu thống kê…

Các hành vi vi phạm về liêm chính học thuật nói trên được các nhà khoa học nhận diện và đưa ra bàn thảo tại hội thảo trực tuyến “Sự thật không phải sự thật: Liêm chính học thuật vì một nền khoa học có trách nhiệm” do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức mới đây.

GS Olivier Le Gall, Chủ tịch Hội đồng liêm chính học thuật Pháp (CoFIS), chỉ ra để xây dựng một nền khoa học có trách nhiệm, cần phải quan tâm đầy đủ đến cả ba trụ cột gồm: đạo đức nghiên cứu khoa học, tính liêm chính của nhà khoa học, và đạo đức nghề nghiệp của viên chức nghiên cứu.

GS Le Gall đi sâu phân tích như một chiếc ghế ba chân, bất cứ chân nào yếu đều có thể làm chiếc ghế đổ sụm. Các nguyên lí đạo đức nghiên cứu do cộng đồng khoa học và cộng đồng xã hội định ra. Các quy tắc liêm chính học thuật do mỗi nhà nghiên cứu thực hành vận dụng trong công việc của mình. Đồng thời, các quy định đạo đức nghề nghiệp dùng để kiểm soát và phòng ngừa các mối xung đột lợi ích có thể nảy sinh khi viên chức nghiên cứu thực hiện hoạt động khoa học đồng thời với nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau.

Trong ba trụ cột đó, tính liêm chính của cá nhân nhà nghiên cứu biểu hiện qua bốn tiêu chí: độ tin cậy (reliability), tính trung thực (honesty), sự tôn trọng (respect) và tính trách nhiệm (accounability). Đây cũng là các nguyên tắc cốt lõi của Bộ Quy tắc ứng xử châu Âu về liêm chính trong nghiên cứu khoa học, ban hành lần đầu vào năm 2005.

Các nhà khoa học chỉ ra ba trụ cột để xây dựng nền khoa học có trách nhiệm gồm: đạo đức nghiên cứu khoa học, tính liêm chính của nhà khoa học, và đạo đức nghề nghiệp của viên chức nghiên cứu. Ảnh minh họa

Một trong các sai phạm nêu trên được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm, đó là vấn đề lạm dụng chữ kí. Nhiều câu hỏi đặt ra là một nhà nghiên cứu thuộc biên chế chính thức của một trường này, nhưng khi công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế thì khai báo nhiệm sở là một trường khác, thì các trường đại học và viện nghiên cứu pháp xử lí như thế nào?

Tương tự, nếu nhà nghiên cứu đó hợp tác bán thời gian với một trường khác, thì khi công bố có được quyền khai báo nhiệm sở ở trường hợp tác thay cho trường chủ quản được hay không?

GS Le Gall cho biết, ở Pháp có quy định rất rõ ràng về việc khai báo nhiệm sở công tác khi công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế. Theo đó, nhà nghiên cứu phải có nghĩa vụ khai báo nhiệm sở công tác chính của mình trong các ấn phẩm khoa học. Như vậy, khi hợp tác với các trường hay tổ chức nghiên cứu khác trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tác giả có thể khai báo đồng thời nhiệm sở chính và nhiệm sở hợp tác, nhưng nếu bỏ qua hẳn nhiệm sở chính thì đó là điều không thể chấp nhận được.

“Giá trị cốt lõi nhất mà nhà khoa học cần đảm bảo trong công việc của mình là tính trung thực. Tập trung vào chất lượng tự thân trong công việc nghiên cứu, đòi hỏi cao ở chính bản thân về sự liêm chính, không thoả hiệp với những hành vi gian dối khi xuất bản kết quả nghiên cứu, đó chính là lời khuyên dành cho mọi nhà nghiên cứu trẻ muốn phát triển và củng cố tinh thần liêm chính học thuật của mình”, GS Le Gall đưa ra lời khuyên.

PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là văn hoá nghiên cứu khoa học của từng nhà nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu. Mỗi người cần phải xác định được ranh giới mà một nhà khoa học trung thực, ngay thẳng không thể bước qua.

Thứ hai, ngay tại mỗi cơ sở nghiên cứu cần phải có các quy định cụ thể về liêm chính học thuật, trên cơ sở đó mới từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, tương tự như nước Pháp đã làm. Đồng thời, cộng đồng khoa học, cần phải thảo luận rộng rãi về vấn đề này. Cùng đó, các cơ quan quản lí Nhà nước, cần phải chú trọng và tăng cường hơn nữa các yêu cầu về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới