Điểm tin 26-4: Moscow ra điều kiện tiếp tục đàm phán với Ukraine, EU xét gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào dầu Nga

(PLO)- Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết Moscow sẽ xem xét tiếp tục cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine ngay sau khi chính quyền Kiev đưa ra những thỏa thuận có ý nghĩa.

Tình hình cuộc chiến

. Hãng thông tấn Ukrinform dẫn lời Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 25-4 cho biết có hơn 1.000 phụ nữ, trẻ em và hơn 500 người bị thương vẫn còn đang kẹt lại ở bên trong nhà máy Azovstal tại TP Mariupol.

“Quân đội của chúng tôi không có kế hoạch đầu hàng. Nhưng có những thường dân, hơn 1.000 phụ nữ, trẻ em và hơn 500 người bị thương, bao gồm cả những người bị thương nặng. Họ có quyền được giải thoát ra ngoài. Chúng tôi đã thông báo thông tin này cho Nga. Họ biết có bao nhiêu thường dân đang ở đó” - bà Vereshchuk nói.

Theo bà, hiện không ai có thể vào Mariupol hay tạo ra một hành lang nhân đạo trong khi quân đội Nga vẫn đang bắn phá và tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào khu vực này.

“Tôi muốn toàn bộ cộng đồng quốc tế nhận thức và hiểu rõ những gì đang xảy ra hiện nay ở khu vực nhà máy Azovstal. Họ (chính quyền Nga) không muốn tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào. Đây là tội ác chiến tranh và sẽ bị trừng phạt” - bà Vereshchuk nhấn mạnh.

Tp Mariupol chìm trong khói lửa sau các cuộc pháo kích của Nga. Ảnh: UKRINFORM

. Cùng ngày, đài RT dẫn lời Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho biết Ukraine và những đồng minh nước ngoài của họ đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt khi triển khai nhóm tìm kiếm và cứu nạn tình nguyện Mũ bảo hiểm trắng (White Helmets) ở Syria tới Ukraine.

Nhà ngoại giao nhắc lại những cáo buộc được Nga đưa ra vào cuối tuần qua cho biết chính quyền Kiev đang tiến hành mở rộng việc triển khai vũ khí hóa học và sinh học trên chiến trường.

Lực lượng cứu hỏa đang tìm cách dập tắt ngọn lửa bùng lên tại một ngôi nhà sau các trận không kích của Nga. Ảnh: AFP

. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 25-4 cho biết nước này đã gửi xe tăng đến Ukraine mà không tiết lộ thêm chi tiết.

"Có" - ông Morawiecki khẳng định khi được hỏi liệu Ba Lan đã hoặc sẽ gửi xe tăng đến Ukraine hay không. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào, bao gồm cả số lượng xe tăng được gửi đi.

Trước đó, vào tháng 3, chính quyền Ba Lan cho biết họ đã sẵn sàng triển khai tất cả các máy bay phản lực MiG-29 của mình tới Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Mỹ sử dụng, nhưng Washington đã từ chối lời đề nghị này.

Khi được hỏi về việc gửi máy bay tới Ukraine, ông Morawiecki cho biết vấn đề này vẫn đang được xem xét.

Quang cảnh tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow, ngày 5-4. Ảnh: RT

. Cùng ngày, hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc Washington thúc đẩy lực lượng pháo binh tới Ukraine là nhằm làm suy giảm lực lượng Nga, không chỉ trên chiến trường hiện tại mà cả về lâu dài.

Theo ông Austin, Mỹ và các đồng minh hy vọng rằng Kiev sẽ có thể tiêu diệt một lượng lớn hỏa lực của Nga trong cuộc giao tranh đang diễn ra bằng số lượng vũ khí mà họ gửi tới Ukraine.

“Nga đã mất rất nhiều năng lực quân sự và rất nhiều binh sĩ của mình. Và chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ sẽ không có khả năng hồi phục nhanh. Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm được những điều mà họ đã làm khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine” - ông Austin nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ Phục sinh tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moscow, vào ngày 23-4. Ảnh: REUTERS

Động thái các bên

. Theo Ukrinform, trong cuộc phỏng vấn hôm 25-4, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga của EU (Liên minh châu Âu) có thể bao gồm một số hình thức cấm vận dầu mỏ, song liên minh cần phải đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với các quốc gia thành viên trước khi áp đặt lệnh trừng phạt.

"Chúng tôi đang chuẩn bị tiến hành gói trừng phạt thứ sáu và một trong những vấn đề chúng tôi đang xem xét là lệnh cấm vận dầu mỏ. Khi chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt, chúng tôi cần phải đảm bảo tối đa hóa áp lực lên Nga, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho chính mình" - ông Dombrovskis nói.

Theo ông, các chi tiết chính xác của lệnh trừng phạt dầu mỏ lần này vẫn chưa được thống nhất nhưng có thể bao gồm việc loại bỏ dần nguồn dầu nhập khẩu từ Nga hoặc áp đặt thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vượt quá giới hạn giá nhất định.

Trước đó, vào ngày 22-4, tờ Politico đưa tin rằng EC sẽ đưa ra dự thảo gói trừng phạt chống Nga thứ sáu cho các nước EU trong tuần này, có thể bao gồm những hạn chế nhất định đối với nguồn cung dầu và các chính sách tài chính của Nga.

Các thành viên quân đội Nga tuần tra trên đường phố gần một nhà máy ở TP Mariupol, Ukraine, vào ngày 12-4. Ảnh: REUTERS

. Ukrinform dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết chính quyền Mỹ và Anh hôm 25-4 đã khuyên Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thắt chặt vị thế của Kiev tại mọi vòng đàm phán sắp tới với Moscow.

"Đối với các cuộc đàm phán, chúng tôi biết chắc chắn rằng cả Mỹ và Anh đều đang tìm cách khuyên ông Zelensky đẩy nhanh các cuộc đàm phán và luôn thắt chặt vị thế của mình” - ông Lavrov cho hay.

Ngoại trưởng Nga cho biết thêm rằng phía Kiev cũng đã ủng hộ một số đề xuất về một hiệp ước với Moscow đã được đề xuất trong cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29-3.

Một binh sĩ Ukraine lái chiếc xe tăng T-72 của Nga tại ngôi làng Lukianivka, Kiev, ngày 27-3. Ảnh: REUTERS

. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko khẳng định một khi phía Ukraine đưa ra các quyết định có ý nghĩa giúp các cuộc đàm phán trực tiếp có giá trị tiến hành, thì Moscow sẽ xem xét quay trở lại đàm phán với Kiev.

Trước đó, chính quyền Ukraine đã đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình và tuyên bố sẽ "ngay lập tức" chiếm lại bất kỳ lãnh thổ nào dưới sự kiểm soát của Nga với sự trợ giúp của vũ khí từ phương Tây.

Khi được hỏi về khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine, ông Rudenko nói với các phóng viên rằng các điều kiện vẫn chưa được đưa ra.

“Ngay sau khi Ukraine đưa ra những thỏa thuận có ý nghĩa để có thể tổ chức một cuộc đàm phán trực tiếp khác thì vấn đề này sẽ được xem xét. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì” - ông Rudenko cho hay.

Lô hàng tên lửa chống tăng Javelin Mỹ chuyển giao cho Ukraine vào ngày 11-2. Ảnh: AFP

. Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin hôm 25-4 đã cáo buộc phương Tây đang cố gắng tiêu diệt Nga bằng những âm mưu do gián điệp nước ngoài thực hiện nhằm chia rẽ đất nước và làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga.

Phát biểu trước các công tố viên hàng đầu của Nga, ông Putin cho rằng phương Tây đang xúi giục Ukraine lên kế hoạch tấn công các nhà báo Nga, một cáo buộc bị Kiev phủ nhận.

. Cũng theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Austin hôm 25-4 khẳng định sẽ mở cửa trở lại Đại sứ quán của nước này ở Ukraine và hứa sẽ có thêm viện trợ quân sự sau chuyến thăm của họ đến Kiev.

Cả hai quan chức cho biết chuyến thăm thủ đô của Ukraine của cả hai là bằng chứng cho thấy sự kiên trì của Washington trong việc buộc Moscow phải từ bỏ chiến dịch quân sự của mình.

"Về mục tiêu của Moscow, Nga đã thất bại và Ukraine đã thành công" - ông Blinken nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới