Ngày 17-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử 14 bị cáo trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.
Cựu thứ trưởng “xin nhận nốt trách nhiệm” ở phút cuối
Bị cáo Trương Quốc Cường, cựu thứ trưởng Bộ Y tế, cựu cục trưởng Cục Quản lý dược, bị VKS đề nghị tuyên phạt 7-8 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Cường bị cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát, kiểm tra nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc; đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc khi hồ sơ không đủ điều kiện. Đặc biệt, bị cáo không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy các loại thuốc giả dù nhiều cơ quan đã có cảnh báo.
Bị cáo Trương Quốc Cường tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Quá trình xét xử, cựu thứ trưởng Bộ Y tế nhận trách nhiệm của người đứng đầu tại Cục Quản lý dược. Riêng với cáo buộc “không chỉ đạo đình chỉ lưu hành thuốc giả”, ông Cường và luật sư cho rằng tại thời điểm xảy ra sự việc không có cảnh báo chính thức nào về bảy loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada, do đó chưa đủ căn cứ để ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi.
Ông Cường bị đại diện VKS đánh giá “không nhất quán trong hành vi và nhận thức”. Bởi khi làm việc với VKS tại giai đoạn điều tra, bị cáo nhận trách nhiệm chi tiết về từng hành vi vi phạm nhưng đến giai đoạn xét xử lại chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Rất nhiều sai phạm của các bị cáo tại Cục Quản lý dược thuộc quyền quản lý của ông Cường, cả về mặt hành chính và chuyên môn. Cựu cục trưởng không quản lý cấp dưới, để trưởng phòng đăng ký thuốc tự ý đưa ra những ý kiến không đúng, qua đó giúp bảy loại thuốc giả lọt vào vòng xét duyệt của hội đồng xét duyệt thuốc. Quá trình thẩm định của nhóm chuyên gia, bị cáo cũng không kiểm tra, giám sát.
Khi nhận được email của cơ quan y tế Canada về việc cả hai công ty Helix và Health 2000 đều không có sản phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Canada, bị cáo Cường chỉ đạo cấp dưới để ban hành văn bản gửi ngành hải quan đề nghị dừng nhập khẩu thuốc.
“Nếu không nghi ngờ thì sao lại ban hành văn bản? Bị cáo cho dừng nhập khẩu nhưng không dừng lưu hành. Điều đó cho thấy bị cáo làm không hết chức trách, trách nhiệm của mình, dẫn tới các thuốc nhập vào vẫn tiêu thụ được” - kiểm sát viên truy vấn.
Vị này cũng nhấn mạnh thuốc là mặt hàng mang tính đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người, cho nên chỉ cần nghi ngờ, có dấu hiệu là phải đình chỉ lưu hành, thu hồi.
Sau đối đáp của VKS, ông Cường một lần nữa giữ nguyên quan điểm về việc không đình chỉ lưu hành thuốc giả vì thời điểm ấy chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, khi chuẩn bị kết thúc phần tranh luận, cựu thứ trưởng Bộ Y tế lại bất ngờ “xin nhận nốt trách nhiệm” đối với cáo buộc này.
Trước sự thay đổi nhận thức này, đại diện VKS cho rằng ông Cường đã tỏ ra ăn năn, thừa nhận toàn bộ sai phạm nên đề nghị HĐXX tuyên mức án thấp hơn so với đề nghị trước đó của chính VKS.
VKS: Đây là thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả nhãn mác
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch Công ty VN Pharma, luật sư nói “không tranh luận về mặt tội danh” nhưng muốn “cắt nghĩa” về vấn đề hàng giả trong vụ án này.
Theo luật sư, tài liệu truy tố mới chỉ cáo buộc hành vi khách quan của các bị cáo là sử dụng giấy tờ giả mạo để làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ thuốc chứ chưa xem xét về mặt chất lượng. Một số bị cáo có lưu giữ tài liệu để xác định chất lượng của thuốc. Theo đó, các phiếu kết quả kiểm nghiệm xác định tính chất, định chất, định lượng… của thuốc đều đạt tiêu chuẩn.
Như vậy, các bị cáo chỉ vi phạm về quản lý thị trường chứ không chứng minh được hậu quả trực tiếp cho người bệnh. Do đó, các loại thuốc được Công ty VN Pharma buôn bán không vi phạm quy định về chất lượng. “Chúng tôi không đưa ra điều này để lập luận bào chữa cho bị cáo không có tội nhưng đề nghị được xem xét” - luật sư nói.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho biết trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng, cơ quan tố tụng không kết luận các loại thuốc có vấn đề về chất lượng mà chỉ kết luận đây là thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000. Bởi trên thực tế, cả hai công ty Helix Canada và Health 2000 Canada đều không được cấp phép sản xuất thuốc tại Canada nhưng các bị cáo vẫn có thuốc giả để buôn bán.
Vụ án này, với cả bốn loại thuốc giả được tuồn vào Việt Nam, cơ quan tố tụng đều không thu được mẫu nên không có điều kiện giám định về chất lượng, do đó chỉ xem xét về vấn đề nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ như đã nêu.
Sau khi nghe quan điểm của đại diện VKS, luật sư của bị cáo Hùng cho rằng nếu chỉ xem xét về mặt nhãn mác và nguồn gốc, xuất xứ mà không kết luận về mặt chất lượng thì phải đánh giá lại mức độ hành vi sai phạm của bị cáo để tương xứng với mức án. Như hiện tại, mức án mà đại diện VKS đề nghị với bị cáo Hùng (20 năm tù) là quá cao.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo Hùng 20 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, cộng với bản án 17 năm tù trước đó, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù. Cùng tội danh, các bị cáo khác tại Công ty VN Pharma bị đề nghị phạt 8-16 năm tù.
Theo cáo buộc, Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo nhân viên tại Công ty VN Pharma làm giả 15 hợp đồng mua bán với một công ty kinh doanh thuốc ở Việt Nam, với mục đích hợp thức hóa việc nhập khẩu, thông quan và thanh toán tiền cho bốn loại thuốc giả Helix Canada nhái Health 2000 Canada. VN Pharma mua tổng số hơn 830.000 hộp thuốc giả trị giá hơn 54 tỉ đồng, sau đó bán lại cho các hiệu thuốc và bệnh viện hơn 620.000 hộp, thu lời hơn 31 tỉ đồng.
HĐXX nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào chiều 19-5.
“Cả đời phấn đấu, tự rèn mình, không may vướng lao lý”
Nói lời sau cùng, ông Trương Quốc Cường cho biết thời điểm mới nhận chức cục trưởng Cục Quản lý dược, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn rất thiếu. Chưa kể, số lượng hồ sơ các doanh nghiệp nộp rất nhiều, cán bộ của cục đều làm việc trong điều kiện quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót.
Cho rằng những bị cáo tại Cục Quản lý dược đều là các cán bộ “mẫn cán, làm hết trách nhiệm”, ông Cường mong HĐXX xem xét để tuyên mức án phù hợp.
Về phần mình, ông Cường nói: “cả đời phấn đấu, luôn ý thức rằng ngành cấp phép thuốc rất nhạy cảm, rất ý thức và tự rèn mình nhưng không may có chuyện đã xảy ra, dẫn đến hôm nay vướng vào vòng lao lý. Đây là mất mát to lớn nhất, không có gì so được”.