Ngày 16-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.
VKS đề nghị 7-8 năm tù
Tại phần tranh luận, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Quốc Cường, cựu thứ trưởng Bộ Y tế 7-8 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Cường bị cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký dẫn tới 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam. Dù nhiều cơ quan đã có cảnh báo về nguồn gốc và xuất xứ của thuốc nhưng ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy…
Bị cáo Trương Quốc Cường tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Quá trình xét xử, đại diện VKS nhận định ông Cường mới chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu mà chưa thành khẩn thừa nhận sai phạm cụ thể như cáo trạng truy tố.
Tham gia bào chữa cho bị cáo Cường có sáu luật sư. Đa phần ý kiến đều cho rằng cựu thứ trưởng Bộ Y tế đã làm hết trách nhiệm của mình, cáo buộc của VKS đối với thân chủ là chưa hợp lý.
Theo luật sư, về nguyên tắc, các chuyên gia thẩm định thuốc làm việc độc lập, chịu trách nhiệm với ý kiến đánh giá của mình. Ông Cường với vai trò quản lý hành chính tại Cục Quản lý dược không can thiệp vào chuyên môn.
Đối với việc “không thu hồi thuốc giả dù đã có cảnh báo”, luật sư dẫn giải tháng 10-2014, Bộ Y tế Canada có email phản hồi về việc cả hai công ty Helix Canada và Heatlh 2000 Canada đều không có sản phẩm nào được cấp phép lưu hành. Sau khi được cấp dưới báo cáo điều này, ông Cường yêu cầu phải có công văn chính thức (gồm dấu và chữ ký) từ phía Canada. Cục Quản lý dược sau đó có email đề nghị nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan y tế Canada.
Thêm vào đó, tháng 11-2014, Bộ Công an có văn bản gửi Cục Quản lý dược, tuy nhiên trong văn bản Bộ Công an chỉ đề nghị cung cấp tài liệu phục vụ xác minh vụ án chứ không có thông điệp nào cảnh báo về nguồn gốc của thuốc. Vì vậy, luật sư cho rằng thời điểm này chưa có cơ quan nào chính thức cảnh báo Heatlh 2000 Canada là thuốc giả, chưa đủ cơ sở để ban hành quyết định thu hồi…
Đáng chú ý, nhiều luật sư đề cập đến vai trò của ông Cao Minh Quang (cựu thứ trưởng Bộ Y tế) cũng là người đang bị cơ quan điều tra “tiếp tục làm rõ, xử lý trách nhiệm sau”. Theo luật sư, các bị cáo tại Cục Quản lý dược bị cáo buộc phê duyệt hồ sơ cấp số đăng ký bảy loại thuốc giả dù không có giấy FSC và GMP hợp pháp hóa lãnh sự.
Trên thực tế, người ký Công văn 2970 liên quan đến việc không cần hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ trên lại là ông Cao Minh Quang. Dựa trên công văn trái quy định này, các bị cáo ở Cục Quản lý dược, trong đó có ông Trương Quốc Cường, đã áp dụng để thực hiện.
Đồng thời, tại hội đồng xét duyệt thuốc, ông Cường chỉ là phó chủ tịch, ông Quang mới là chủ tịch, bị cáo đương nhiên phải thực hiện theo trong việc duyệt cấp số đăng ký thuốc.
Từ những căn cứ nêu, luật sư cho rằng trách nhiệm trong các sai phạm cấp số đăng ký cho bảy loại thuốc giả mang nhãn mác Heatlh 2000 Canada có phần của ông Cao Minh Quang; đồng thời đề nghị HĐXX cân nhắc bối cảnh, nguyên nhân, động cơ… để xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Cường.
Quá trình xét xử, đại diện VKS nhận định bị cáo Trương Quốc Cường mới chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu mà chưa thành khẩn thừa nhận sai phạm cụ thể như cáo trạng truy tố.
Không tranh luận về tội danh nhưng muốn cắt nghĩa...
Trong nhóm bị truy tố tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma) bị đề nghị tuyên phạt 20 năm tù, cộng với 17 năm tù trong vụ buôn bán thuốc ung thư giả trước đó, tổng hợp là 30 năm tù.
Hùng bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên tại Công ty VN Pharma làm giả 15 hợp đồng mua bán với một công ty kinh doanh thuốc ở Việt Nam, với mục đích hợp thức hóa việc nhập khẩu, thông quan và thanh toán tiền cho bốn loại thuốc giả Helix Canada nhái Heatlh 2000 Canada.
Hậu quả, VN Pharam mua tổng số hơn 830.000 hộp thuốc giả trị giá hơn 54 tỉ đồng, sau đó bán lại cho các hiệu thuốc và bệnh viện hơn 620.000 hộp, thu lời hơn 31 tỉ đồng.
Bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng, luật sư nói “không tranh luận về mặt tội danh” nhưng muốn “cắt nghĩa” về vấn đề hàng giả trong vụ án này. Theo luật sư, tài liệu truy tố mới chỉ cáo buộc hành vi khách quan của các bị cáo là sử dụng giấy tờ giả mạo để làm sai lệch nguồn gốc xuất xứ thuốc chứ chưa xem xét về mặt chất lượng.
Luật sư đề nghị cung cấp các xác nhận về chất lượng thuốc đã được cơ quan điều tra thu thập và lưu giữ. Bởi một số bị cáo tại Công ty VN Pharma có lưu giữ tài liệu để xác định chất lượng của thuốc. Các phiếu kết quả kiểm nghiệm xác định tính chất, định chất, định lượng… của thuốc đều đạt tiêu chuẩn.
Như vậy, các bị cáo chỉ vi phạm về quản lý thị trường chứ không chứng minh được hậu quả trực tiếp cho người bệnh. Do đó, các loại thuốc được Công ty VN Pharma buôn bán không vi phạm quy định về chất lượng.
“Chúng tôi không đưa ra điều này để lập luận bào chữa cho bị cáo không có tội nhưng đề nghị được xem xét” - luật sư nói.
Vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, pháp luật
Đối với nhóm bị cáo ở Cục Quản lý dược, ngoài ông Trương Quốc Cường, đại diện VKS đề nghị phạt các bị cáo còn lại từ hai đến tám năm tù về một trong hai tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với nhóm bị cáo ở Công ty VN Pharma, ngoài Nguyễn Minh Hùng, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ tám đến 20 năm tù cùng về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo đánh giá của VKS, các bị cáo tại Công ty VN Pharma vì ham muốn lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, pháp luật, sức khỏe người dân. Hành vi này ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế, phạm tội nhiều lần… nên cần có hình phạt nghiêm khắc.
Trong khi đó, hành vi vi phạm của các bị cáo tại Cục Quản lý dược gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vì động cơ cá nhân mà thực hiện trái công vụ, tạo điều kiện cho các loại thuốc giả được cấp số đăng ký.