Vụ VN Pharma: Ông Trương Quốc Cường nhận trách nhiệm

(PLO)- Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận trách nhiệm người đứng đầu nhưng cho rằng sai phạm của mình xuất phát từ việc “không được cấp dưới báo cáo”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.

Trong ngày làm việc thứ hai, HĐXX và đại diện VKS dành phần lớn thời gian để xét hỏi nhóm bị cáo thuộc Cục Quản lý dược, về việc “dọn đường” cho hàng triệu hộp thuốc giả tuồn vào thị trường Việt Nam.

Cựu thứ trưởng: Sai sót vì không được báo cáo

Thời điểm xảy ra vụ án, người giữ chức vụ cao nhất tại Cục Quản lý dược là ông Trương Quốc Cường - cục trưởng, phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc - sau này là thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông Cường bị cáo buộc thiếu giám sát, kiểm tra hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Ông cũng là người đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký cho bảy loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, trị giá hơn 148 tỉ đồng, dù hồ sơ đăng ký đều không đủ điều kiện.

Các bị cáo tại tòa ngày 13-5. Ảnh: UYÊN TRANG

Các bị cáo tại tòa ngày 13-5. Ảnh: UYÊN TRANG

Đặc biệt, nhiều cơ quan của Việt Nam và cả Canada đã có cảnh báo về thuốc giả, ông Cường vẫn không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, không thu hồi và tiêu hủy, dẫn tới các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng để điều trị cho người bệnh.

Trả lời tòa, ông Trương Quốc Cường hơn một lần thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Dù vậy, bị cáo nói sai phạm của mình xuất phát từ việc “không được cấp dưới báo cáo”.

Tài liệu điều tra cho thấy trong hồ sơ xin cấp số đăng ký của bảy loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada, giấy phép lưu hành thuốc (FSC) và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) đều không được hợp pháp hóa lãnh sự. Nhưng dưới sự “tiếp tay” của các bị cáo ở Cục Quản lý dược, cả bảy loại thuốc vẫn được cấp số đăng ký một cách “ngoạn mục”.

HĐXX đặt vấn đề tại sao thiếu hai giấy tờ quan trọng nêu trên nhưng bảy loại thuốc vẫn có thể “lọt cửa” và được cấp visa vào Việt Nam?

Cựu cục trưởng Cục Quản lý dược nói theo quy định ở thời điểm ấy, nhóm chuyên gia thẩm định không phải báo cáo cục trưởng về các hồ sơ thuốc, thay vào đó sẽ trình trực tiếp lên trưởng phòng đăng ký thuốc, rồi cục phó sẽ ký để trình lên Hội đồng xét duyệt thuốc.

Do vậy, dù hồ sơ thẩm định bảy loại thuốc đều thiếu FSC và GMP hợp pháp hóa lãnh sự nhưng ông Cường không thể phát hiện và ngăn chặn, bởi nhóm chuyên gia không có trách nhiệm thông báo với ông.

Cuối phần trình bày, ông Cường thừa nhận có “lỗ hổng lớn” trong quy trình thẩm định hồ sơ thuốc, điển hình là việc quản lý hoạt động, ban hành quy chế, quy định với nhóm chuyên gia thẩm định. Cạnh đó là việc bỏ qua bước hợp thức hóa lãnh sự đối với các tài liệu thuộc cơ quan y tế nước ngoài, cụ thể là giấy FSC và GMP.

Ông Cường thừa nhận có “lỗ hổng lớn” trong quy trình thẩm định hồ sơ thuốc, điển hình là việc quản lý hoạt động, ban hành quy chế, quy định với nhóm chuyên gia thẩm định…

Bút phê “trải thảm đỏ” cho thuốc giả

Giữa năm 2010, được sự nhờ vả của Nguyễn Lê Xuân Khang (đang bỏ trốn), Công ty Dược Vimedimex gửi hồ sơ tới Cục Quản lý dược xin cấp số đăng ký cho hai loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada, đồng thời có công văn đề nghị được thẩm định sớm.

Nhận được công văn, ông Trương Quốc Cường bút phê chuyển cho bị cáo Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc), bà Châu sau đó bút phê chuyển cấp dưới “giải quyết theo chủ trương”.

Hiểu rằng “chủ trương” mà bà Châu nhắc tới nghĩa là đồng ý cho thẩm định sớm, hai cán bộ thuộc Phòng đăng ký thuốc đưa hồ sơ của hai loại thuốc giả ra thẩm định sớm, mặc dù lúc này đang có gần 1.000 hồ sơ thuốc đã nộp trước và đang phải “xếp hàng” chờ đến lượt.

Sự ưu ái chưa dừng lại, trong quá trình thẩm định hai loại thuốc giả, do hồ sơ không đạt yêu cầu nên ba chuyên gia thẩm định (bao gồm bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy - cựu phó trưởng Phòng quản lý giá thuốc) thống nhất “đánh trượt” bằng việc đề xuất không cấp số đăng ký.

Tuy nhiên, một số tài liệu được bí mật đưa thêm vào hồ sơ của hai loại thuốc này. Tiếp đó, bị cáo Thủy tự ý tẩy xóa và thay đổi ý kiến đánh giá của nhóm chuyên gia từ “không cấp số đăng ký” thành “bổ sung hồ sơ”. Hai chuyên gia còn lại không hề hay biết.

Bằng sự “dọn đường” nêu trên, hai loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký dù hồ sơ có rất nhiều lỗi và mâu thuẫn.

Tại tòa, bà Phạm Hồng Châu cho rằng bút phê của mình chỉ kế thừa chỉ đạo từ cấp trên là ông Trương Quốc Cường, còn việc cấp dưới diễn giải ra sao thì nằm ngoài sự kiểm soát của bị cáo.

Được gọi lên đối chất, cấp dưới của bà Châu tại Phòng đăng ký thuốc lại cho rằng việc đưa hồ sơ hai loại thuốc ra thẩm định sớm là theo chỉ đạo của bà Châu. Họ hiểu rằng nội dung mà bà Châu bút phê nghĩa là phải đưa hồ sơ hai loại thuốc ra thẩm định sớm theo đề nghị của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, cáo trạng cho biết Bộ Y tế và Cục Quản lý dược không có chủ trương hay quy định nào cho phép ưu tiên đưa hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp ra thẩm định sớm, trừ trường hợp có dịch bệnh sẽ có quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế.

Đối chất việc tẩy xóa hồ sơ thẩm định thuốc

Đối chất với các đồng nghiệp liên quan cáo buộc tự ý sửa chữa hồ sơ thuốc, bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng nhóm ba chuyên gia thẩm định không gặp nhau cùng thời điểm, ai tiện thời gian nào thì lên lúc đó. Việc thẩm định được thực hiện độc lập rồi ghi lại ý kiến vào biên bản. “Ý kiến trên biên bản là cá nhân, sau này việc sửa cũng là quan điểm cá nhân, không thay mặt ai” - bị cáo nói.

Ngược lại, hai chuyên gia còn lại trong nhóm cho rằng các buổi làm việc đều thẩm định chung, có gặp nhau, truyền tay nhau đọc hồ sơ. Do biên bản chỉ có một ô đánh dấu ý kiến nên cả nhóm thảo luận rồi đi đến nhất trí “không cấp số đăng ký”.

Bà Thủy lập tức đáp trả: “Tôi khẳng định lời khai của hai người là dối trá. Tôi không bao giờ bàn bạc thống nhất với họ vì đưa quan điểm độc lập. Sau khi xem xét lại, tôi thấy các lỗi có thể cho bổ sung hồ sơ. Đây không phải tẩy xóa mà đơn thuần là hoạt động thay đổi quan điểm của chuyên gia” - bị cáo trình bày.

Còn cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết ý kiến cuối cùng ở biên bản của nhóm chuyên gia là ý kiến chung, nếu thay đổi hay sửa chữa đều phải có sự thống nhất giữa các thành viên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.