“Điệp khúc” của chủ tọa đại án bầu Kiên: “Không cần phải trả lời”

Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính phát biểu: "Hôm qua HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi của các luật sư chứ chưa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Xét đơn đề nghị của các luật sư, để bảo đảm dân chủ, HĐXX quyết định tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư".

Chủ tọa phiên toà lần này cũng gây ấn tượng với những người dự khán vì mức độ yêu cầu “chuyển câu hỏi khác” và “bị cáo không cần trả lời câu hỏi này” lặp lại khá nhiều lần trong phần thẩm vấn của các luật sư.

"Chuyển câu hỏi khác", "không cần phải trả lời"

Sáng nay, ngay khi luật sư đặt câu hỏi đối với ông Trần Đình Long (tức bầu Long), chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát- người có liên quan đến việc định tội lừa đảo đối với bầu Kiên: “Hôm qua cuối giờ, ông muốn nói gì với HĐXX đúng không?”

Thì chủ tọa gạt ngay: Không cần thiết phải trả lời.

Luật sư “khiếu nại”: -Lời khai của ông Long với tôi rất quan trọng, trong việc xác định ý chí của ông Kiên. Nếu HĐXX không cho tôi hỏi, không cho trả lời thì làm sao tôi chứng minh hành vi khách quan. Tôi đề nghị HĐXX cho ông Long trả lời ý kiến cá nhân của ông đối với hành vi lừa đảo của ông Kiên?

Nhưng chủ tọa vẫn dứt khoát: Xin mời luật sư khác.

Chiều ngày 26-5, luật sư Vũ Xuân Nam cũng hỏi ông Trần Đình Long:

-Đã bao giờ anh nghĩ anh Kiên lừa anh chưa?

+Với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tôi có được nói không ạ? Ngày 21-5, khi HĐXX hỏi tôi và anh Dương là có biết số cổ phần này bị thế chấp hay không, vì HĐXX yêu cầu giải thích ngắn gọn nên chúng tôi chỉ trả lời là “không”, vì vậy gây ra sự hiểu nhầm… Ông Long đáp.

Nghe đến đây chủ tọa cắt lời ông Long:“không cần phải trả lời nữa”.

Trước đó, trong phần thẩm vấn của luật sư với bầu Kiên sáng ngày 26-5, khi luật sư hỏi những vấn đề liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản : Nội dung thỏa thuận giữa bị cáo Kiên và ông Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thế nào, đặc biệt liên quan đến việc hoán chuyển cổ phần giữa Công ty cổ phần bất động sản Á châu và Công ty cổ phần Thép Hòa Phát... Tuy nhiên chủ tọa cũng đã bác:Câu này HĐXX đã hỏi, bị cáo Kiên không trả lời, yêu cầu hỏi câu hỏi khác .

Luật sư:- Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện thỏa thuận ấy thế nào? –Chủ tọa: Yêu cầu luật sư chuyển câu hỏi khác.

Câu hỏi tiếp sau đó: -Thời điểm 25-12-2008, bị cáo có biết QH sẽ ra NQ về vấn đề miễn thuế TNCN hay không? Chủ tọa nhắc: Câu hỏi này hỏi rồi.

-Ý kiến của bị cáo về bản giám định của cơ quan thuế thế nào? Bầu Kiên đang trả lời thì chủ tọa nhắc nhở: Bị cáo dừng lại. Chuyển câu hỏi tiếp.

-Bị cáo đang bị truy tố về tội trốn thuế. Ý kiến của bị cáo? - Chủ tọa nhắc nhở: Câu hỏi này hỏi rồi, đề nghị luật sư hỏi câu khác.

Ở một câu hỏi khác, luật sư hỏi: Ý kiến của bị cáo thế nào đối với tội cố ý làm trái mà VKSNDTC truy tố bị cáo? 

Chủ tọa: Câu hỏi này bị cáo đã trả lời. Ngay từ đầu, các bị cáo đã khẳng định là không có tội nên không cần phải nói nữa.

Bầu Kiên đề nghị: Thưa HĐXX, cho tôi được nói…

Tuy nhiên chủ tọa không đồng ý: Thôi được rồi, không phải nói nữa.

Và khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên đang trả lời luật sư về việc căn cứ vào luật nào để thành lập và đăng ký kinh doanh?  Chủ tọa đã “gút”: Bị cáo không cần trả lời bởi lẽ tất cả thủ tục thành lập DN bị cáo đã làm đúng thủ tục.

Luật sư cũng đành “gút” theo: nếu HĐXX không cho bị cáo trả lời, tôi xin kết thúc phần xét hỏi.

Hội đồng xét xử của phiên tòa. Ảnh: Thu Nguyệt

Đặc biệt, trong phần thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như của luật sư tại phiên thẩm vấn sáng ngày 24-5, khi Huyền Như còn đang lúng túng “Hồ sơ phát nhiều, thời gian đã lâu tôi không nhớ hết. Tôi chỉ biết những gì tôi đã khai với cơ quan điều tra là đúng.” Thì chủ tọa “gà bài”: “Chị Như có quyền trả lời tôi không nhớ nếu không nhớ, hoặc là Tôi không trả lời” (?!)

-HĐXX đã gợi ý cho chị rồi. Lệnh chuyển tiền giả không có lệnh đó ngân hàng VietinBank có thể chuyển tiền được không ? Luật sư “dỗi”

Và Huyền Như đã “nghe lời” chủ tọa: "Tôi không trả lời".

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới