Điều kiện để đường sắt cao tốc Bắc - Nam hoàn thành trong 8 năm

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất thời gian xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ diễn ra trong 8 năm nhưng cần có 19 cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thừa uỷ quyền Thủ tướng ký tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội xem xét quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, Chính phủ cho biết thời gian triển khai đầu tư toàn tuyến diễn ra trong 8 năm nhưng cần có 19 chính sách đặc thù, đặc biệt.

Trung ương và địa phương chia nhau lợi nhuận đất gần nhà ga

Một trong các chính sách đáng chú ý được Chính phủ đề xuất đó là cho phép Thủ tướng được quyết định sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp trong nước khác theo quy định.

Vì pháp luật hiện hành bắt buộc cơ cấu vốn dự án phải được quyết định trong phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên dự án phải cân đối ngân sách nhiều kỳ vốn trung hạn.

Thêm vào đó, ở bước quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa xác định được cụ thể cơ cấu nguồn vốn mà chỉ xác định được nguồn vốn ngân sách nhà nước, nên cơ chế này giúp Thủ tướng linh hoạt trong việc huy động các nguồn vốn, không phải thực hiện các thủ tục khác.

Bộ GTVT dự kiến triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2027 (Ảnh sử dụng công nghệ AI). Ảnh: VIẾT LONG
Chính phủ cho biết thời gian triển khai đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam diễn ra trong 8 năm và cần có 19 chính sách đặc thù, đặc biệt (Ảnh sử dụng công nghệ AI). Ảnh: VIẾT LONG

Tiếp đó là chính sách cho phép Thủ tướng quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm được Quốc hội quyết định.

Thực tế, pháp luật hiện hành đang giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch vốn trên. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy dự án này có số vốn lớn, công nghệ kỹ thuật phức tạp, để đảm bảo tính khả thi cần có cơ chế trên để giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian, đáp ứng vốn cho dự án.

Cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất UBND cấp tỉnh được điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tại khu vực phụ cận ga đường sắt cao tốc khi cần thiết để khai thác quỹ đất… nhưng không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh đã phê duyệt trước đó.

Đối với khu vực ga và vùng phụ cận ga chưa có quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh được lập các quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết để triển khai dự án, không cần căn cứ vào các quy hoạch cấp trên.

Theo Chính phủ, để triển khai lập, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch của địa phương được thực hiện qua 6 bước và cần khoảng 1,5 năm đến 2 năm, thậm chí có địa phương cần đến 3 năm. Vì vậy, chính sách trên sẽ giúp các tỉnh điều chỉnh được linh hoạt để triển khai dự án nhanh.

Chính phủ đề xuất chính sách đặc thù cho phép tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ dự án được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa.

Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án. Miễn thuế thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án.

Tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao thuộc dự án được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên đặt hàng với tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện dự án.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất đối với số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt sau khi trừ đi các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương để cân đối ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án.

Thực tế, pháp luật hiện hành quy định ngân sách địa phương được hưởng 100% tiền thu từ đất. Tuy nhiên theo tư vấn, nguồn thu từ toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của dự án được đảm bảo từ nguồn ngân sách trung ương. Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương trong giai đoạn tới Chính phủ đề xuất cần có sự chia sẻ trên.

Đề xuất không thi tuyển kiến trúc nhà ga

Để dự án triển khai thuận lợi, Chính phủ cũng đề xuất được phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trừ trường hợp thay đổi mục tiêu, quy mô, vượt tổng mức đầu tư của chủ trương đầu tư dự án trên 10% so với tổng mức đầu tư.

Theo Chính phủ, pháp luật hiện hành quy định việc điều chỉnh chủ trương dự án trên thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tuy nhiên, dự án triển khai trong thời gian dài, các thay đổi về chỉ số giá, biến động tỉ giá và các yếu tố khách quan khác. Trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án theo quy định pháp luật hiện hành sẽ phải thực hiện qua nhiều bước, mất nhiều thời gian. Vì vậy, cơ chế trên giúp Chính phủ tăng tính chủ động cho dự án.

Song song đó, Chính phủ đề xuất cho phép công trình nhà ga đường sắt tốc độ cao không thuộc đối tượng phải thi tuyển phương án kiến trúc. Bởi theo pháp luật hiện hành việc thi tuyển mất rất nhiều thời gian.

du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam.jpg
Lộ trình đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng đề xuất cho phép chủ đầu tư được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Vì nếu làm như hiện nay dự án phải trải qua bốn bước sau khi được Quốc hội thông qua. Theo đó, để khởi công dự án kể từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư thì nhanh nhất cần khoảng hơn 4 năm, khó có thể khởi công được dự án vào năm 2027.

Chính phủ đề xuất thêm chính sách, đối với các hạng mục công việc chưa có định mức được cấp có thẩm quyền ban hành, chủ đầu tư được áp dụng định mức hoặc xác định chi phí theo suất đầu tư của các dự án, công trình tương tự, bao gồm cả các định mức, suất đầu tư của các dự án, công trình nước ngoài.

Đối với các khoản mục chi phí chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, chủ đầu tư được xác định các khoản mục chi phí theo các dự án, công trình tương tự bao gồm cả dự án, công trình trong nước và nước ngoài hoặc theo thông lệ quốc tế.

Vì theo pháp luật hiện hành, tổng mức đầu tư dự án phải dựa trên cơ sở định mức, đơn giá được ban hành. Trong khi đó, dự án sử dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu mới nên hệ thống định mức, đơn giá hiện hành sẽ không đáp ứng hoặc chưa phù hợp với yêu cầu thiết kế, kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công. Vì vậy, tư vấn không đủ cơ sở dữ liệu và căn cứ để xây dựng và điều chỉnh dự toán công trình.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các chính sách đặc thù liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, chuyển đổi đất rừng… tương tự như đang áp dụng đối với các dự án công trình giao thông trọng điểm vừa qua.

Cần phải có cơ chế đặc thù

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, khẳng định để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam buộc phải có cơ chế đặc thù. Chẳng hạn, cơ chế khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga (TOD). Theo nghiên cứu đề án, sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao xây dựng, sẽ có tính hấp dẫn, nên phát triển TOD để khai thác, số tiền thu được phân ra tỉ lệ đưa vào ngân sách Trung ương và tỉ lệ giữ lại của địa phương.

“Từ nguồn thu này, trung ương sẽ đầu tư cho dự án đường sắt khác, hoặc trả các khoản vay khi phát hành trái phiếu Chính phủ, còn địa phương sẽ bù đắp kinh phí đã ứng trước đó cho giải phóng mặt bằng”- ông Trần Thiện Cảnh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm