Một tuần trước, chồng tôi điều khiển ô tô chở khách và bị CSGT xử phạt 4 triệu đồng vì lỗi đi ngược chiều trong đường một chiều. Sau đó, chồng tôi bị tai nạn giao thông phải điều trị lâu dài. Tài sản của gia đình đã phải lo chữa trị nên hiện tại chúng tôi gặp khó khăn về kinh tế.
Xin hỏi, trong trường hợp này, chồng tôi có được hoãn nộp tiền phạt hay không. Nếu được thì thủ tục xin ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Thị Thu (Bình Chánh, TP.HCM)
CSGT TP Hà Nội dán thông báo phạt nguội lên kính xe đối với các tài xế
không có mặt tại thời điểm phát hiện vi phạm. Ảnh: UYÊN TRANG
Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Việc hoãn nộp phạt vi phạm hành chính (hoãn thi hành quyết định phạt tiền) nói chung và hoãn nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Luật Xử lý hành chính năm 2012.
Khoản 1 Điều 76 luật trên quy định, quyết định phạt tiền có thể được hoãn thi hành trong trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn.
Trường hợp này, người vi phạm phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.
Về thủ tục, người vi phạm phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi đến cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt.
Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó.
Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá ba tháng kể từ ngày có quyết định hoãn.
Trường hợp của chồng chị Thu, chồng chị cần đến UBND nơi cư trú hoặc cơ quan làm việc để làm xác nhận về tình trạng khó khăn hiện tại, dẫn đến việc không thể chấp hành quyết định xử phạt đúng hạn. Sau đó, chồng chị cần gửi kèm xác nhận trên và đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi đến cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt để được xem xét, giải quyết.