Điều tra không có tội, tính sao?

Người nhà tôi bị khởi tố hình sự.Tôi muốn hỏi pháp luật quy định thời hạn điều tra là bao lâu? Trường hợp đã điều tra mà người nhà tôi không có tội thì họ tính sao?

Tuan Khanh (khanhtuan17490@yahoo.com), Nguyễn Thị Tuyết (huyện Hóc Môn, TP.HCM), Trần Văn Quân (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, Đồng Nai)

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Do bạn không cung cấp rõ thông tin người nhà bạn bị cơ quan nào khởi tố, khởi tố về tội gì nên chúng tôi sẽ tư vấn các trường hợp để các bạn tham khảo chung.

Theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn điều tra như sau:

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát (gọi tắt là VKS) gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

3. Thẩm quyền gia hạn điều tra của VKS được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì VKS nhân dân cấp huyện, VKS quân sự khu vực gia hạn điều tra. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng thì VKSND cấp huyện, VKS quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì VKSND cấp huyện, VKS quân sự khu vực gia hạn điều tra lần thứ nhất; VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; VKSND Tối cao, VKS quân sự Trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.

4. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn điều tra thuộc thẩm quyền của VKSND Tối cao, VKS quân sự Trung ương.

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì viện trưởng VKSND Tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá bốn tháng.

Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì viện trưởng VKSND Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

6. Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Như vậy, khi hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra. Bạn có thể tham khảo các quy định nêu trên để biết rõ thời hạn điều tra đối với từng trường hợp người nhà của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều