VKS đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên và bản án sơ thẩm TAND huyện Đồng Xuân để điều tra lại.
Theo hồ sơ, từ tháng 5-2016 đến tháng 5-2017, Nguyễn Văn Võ Quá và Đoàn Văn Thành hợp đồng phát rừng để trồng keo với La O Quề, La O Hệt trên diện tích đất rừng phòng hộ mà Quề, Hệt đã chiếm trái phép tại khu vực Suối Tăng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân…
Ngày 25-5-2016, Quá thuê Đỗ Văn Long, Nguyễn Văn Luyến chặt, phá rừng trên diện tích đất rừng mà Hệt chiếm trái phép với giá 5,5 triệu đồng/ha và cho hai người này ứng 20 triệu đồng để thuê nhân công. Khi nhân công đã chặt phá được 6,02 ha rừng thì bị phát hiện…
Kết luận giám định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên và Hội đồng định giá tài sản huyện Đồng Xuân xác định tổng diện tích rừng bị hủy hoại là 9,7 ha được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, thuộc trạng thái rừng nghèo; thiệt hại về lâm sản là hơn 67,7 triệu đồng; thiệt hại về môi trường rừng hơn 271 triệu đồng…
Xử sơ thẩm tháng 9-2017, TAND huyện Đồng Xuân đã tuyên phạt Quá năm năm tù, Hệt ba năm sáu tháng tù, Quề ba năm tù cùng về tội hủy hoại rừng. Sau đó, Quá kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không trực tiếp chặt phá rừng mà chỉ là người làm công cho Hoàng Trung Sơn; Hệt, Quề kháng cáo xin giảm án.
Xử phúc thẩm tháng 5-2018, đại diện VKS đã đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại, vì có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội là Đoàn Văn Thành và Hoàng Trung Sơn. Luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng thống nhất quan điểm của VKS.
HĐXX phúc thẩm nhận định tại các biên bản lấy lời khai, đối chất; giấy mượn tiền và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quá đều thừa nhận do quen biết trong quá trình làm ăn nên ông Hoàng Trung Sơn (Công ty THNN Nam Bình) đã cho bị cáo mượn 40 triệu đồng để trả tiền thuê nhân công phát dọn rừng… Trong khi đó, ông Sơn trình bày “Công ty hợp đồng để phát dọn rừng trồng keo lai đều hợp pháp, có chính quyền địa phương đồng ý… tôi không biết” nên không đủ cơ sở chứng minh lời khai của bị cáo. Do đó, cấp sơ thẩm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Trung Sơn là đúng nên bác kháng cáo của bị cáo Quá. Không chấp nhận ý kiến của đại diện VKS và luật sư về việc hủy án sơ thẩm, vì Hoàng Trung Sơn không có dấu hiệu đồng phạm với các bị cáo.
Xét hành vi của các bị cáo hủy hoại diện tích 9,7 ha rừng phòng hộ là nguy hiểm cho xã hội, án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân từng bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt Quá năm năm tù, Hệt ba năm sáu tháng tù, Quề ba năm tù cùng về tội hủy hoại rừng là phù hợp, không nặng. Các bị cáo kháng cáo xin giảm án nhưng không có tình tiết giảm nhẹ mới nên giữ nguyên án sơ thẩm.
Đối với Đoàn Văn Thành, ban đầu thỏa thuận cùng bị cáo Quá hùn vốn để chặt phá rừng, biết rõ rừng này là rừng phòng hộ do Quề, Hệt tự chiếm, mặc dù chỉ là người làm công nhưng có dấu hiệu của tội phạm hủy hoại rừng, được xử lý bằng biện pháp khác là không tương xứng với hành vi và hậu quả nhưng không có kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không thể sửa chữa theo quy định của BLTTHS. Kiến nghị cơ quan chức năng xử lý đúng quy định của pháp luật đối với Đoàn Văn Thành.
Từ đó, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng các bị cáo Quá, Quề, Hệt bị xét xử về tội hủy hoại rừng là có căn cứ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Đoàn Văn Thành về tội hủy hoại rừng là bỏ lọt tội phạm.
Hành vi của Đoàn Văn Thành là ngay từ đầu đã cùng với Quá thỏa thuận việc chung vốn để phá rừng phòng hộ nhưng khi thực hiện thì không chung vốn mà chuyển qua làm công cho Quá, Thành tham gia cùng các bị cáo xuyên suốt trong quá trình phá rừng, gây thiệt hại diện tích 9,7 ha nên hành vi của Thành là đồng phạm với các bị cáo khác hủy hoại rừng phòng hộ nhưng cấp sơ thẩm cho rằng Thành chỉ là người làm công cho Quá nên không đồng phạm với các bị cáo về tội hủy hoại rừng mà xử lý bằng biện pháp khác thấy phù hợp.
Khi xét xử cấp phúc thẩm đã nhận thấy sai sót nhưng không hủy án giao cho cấp sơ thẩm điều tra lại mà nhận định Đoàn Văn Thành có dấu hiệu tội hủy hoại rừng nhưng không có kháng cáo, kháng nghị liên quan nên không thể sửa chữa theo quy định của BLTTHS. Như vậy, việc không điều tra, xét xử đối với Đoàn Văn Thành về tội hủy hoại rừng là bỏ lọt người phạm tội.
Ngoài ra, cần điều tra làm rõ hành vi của ông Hoàng Trung Sơn có cho Nguyễn Văn Võ Quá mượn tiền để Quá trả tiền thuê nhân công phá rừng nhằm xác định hành vi liên quan và vai trò ông Sơn trong vụ phá rừng phòng hộ như lời khai của bị cáo Quá.