Định danh số điện thoại sẽ hạn chế mạo danh, lừa đảo

(PLO)- Theo Bộ TT&TT, việc định danh số điện thoại sẽ hạn chế việc mạo danh cũng như giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức lừa đảo…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bắt đầu từ ngày 27-10, tất cả số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gọi đến người dân đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp (DN) viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Giải pháp này được đánh giá sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo đã xảy ra trong thời gian qua.

Hạn chế các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo

Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo tháng 11-2023 diễn ra ngày 6-11, đại diện Bộ TT&TT cho biết bộ đã công bố thực hiện định danh cuộc gọi của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ tại buổi họp báo tháng 10-2023. Việc này đã được các cơ quan báo chí thông tin đến độc giả cả nước, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân.

Theo Bộ TT&TT, việc định danh cuộc gọi cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ số ít đơn vị thực hiện thì vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề. Lý do là hiện nay các cuộc gọi lừa đảo, mạo danh rất nhiều, từ mạo danh cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng, đến các DN thương mại điện tử mời “việc nhẹ lương cao”, hay mời chào bất động sản, kêu gọi đầu tư... “Nếu như tất cả cơ quan, ban ngành, tổ chức hay DN cùng định danh số điện thoại sẽ hạn chế được tình trạng này” - đại diện Bộ TT&TT cho biết.

Cuoc-goi-dinh-danh_7-11.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: VT

Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ thông tin, tạo sự đồng thuận từ dư luận xã hội. Từ đó để các cơ quan, ban ngành và tổ chức, DN cùng thống nhất triển khai, mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc hạn chế các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo làm phiền người dân.

Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ TT&TT, công an, viện kiểm sát, ngân hàng, nhà mạng viễn thông… gọi điện thoại đến số điện thoại cố định, di động của người dân. Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin để hù dọa, lừa đảo, rồi từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để phòng, chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; đồng thời cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Cũng từ ngày 27-10, các số điện thoại của DN viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng. Chẳng hạn như tên định danh VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone, VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel, FPT SHOP của nhà mạng FPT, hay LOCAL của nhà mạng ASIM…

Cùng với thông báo về việc Bộ TT&TT và các nhà mạng sử dụng tên định danh cho các số điện thoại có tương tác với người dân, Bộ TT&TT cũng nêu rõ: Các số điện thoại gọi đến người dân mà đối tượng xưng danh là đơn vị thuộc bộ hay DN viễn thông nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo thì đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT&TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới DN viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc bộ hay doanh nghiệp viễn thông nhưng không hiển thị tên định danh thì đều là các số điện thoại giả mạo.

SIM rác đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, đã chia sẻ về nạn SIM rác và việc phát triển SIM ở các đại lý.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Trong đó, khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng. Tuy nhiên, tình trạng SIM rác đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trước thực trạng trên, từ ngày 10-9, các nhà mạng cam kết với Bộ TT&TT sẽ dừng việc các đại lý phát triển SIM. Thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc phát triển kênh phân phối của DN mình và những kênh chuỗi có uy tín.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh bộ sẽ xử lý rất nghiêm theo Nghị định 14. Nếu phát hiện nhà mạng vi phạm, cơ quan quản lý sẽ đình chỉ DN phát triển thuê bao 3-12 tháng, tùy mức độ sai phạm.

Ông Nguyễn Phong Nhã thông tin thêm các nhà mạng đã rà soát và yêu cầu đại lý dừng phát triển thuê bao. Theo đó, số lượng thuê bao phát triển hằng tháng đã giảm 35%, so với mức 1,5 triệu thuê bao/tháng trước đây.

“Tuy nhiên, qua công tác giám sát triển khai vẫn còn tình trạng người dân mua đc SIM từ các đại lý ủy quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá, thực hiện nghiêm túc việc phát triển thuê bao mới” - ông Nhã chia sẻ.

Cũng từ ngày 10-10, một số nhà mạng tại Việt Nam đồng loạt thông báo tạm dừng đăng ký thông tin thuê bao trực tuyến.

Ông Nhã cho biết theo quy định hiện hành thì việc đăng ký thuê bao trực tuyến chưa có quy định cụ thể. Chính vì vậy, việc nhà mạng không triển khai đăng ký thuê bao trực tuyến mới là phù hợp với quy định.

“Để triển khai phát triển thuê bao trực tuyến, chúng tôi đang đề xuất các DN xây dựng phương án và chúng tôi xây dựng chính sách để đưa vào văn bản pháp luật” - ông Nhã nói.•

Mỗi tuần có 300 phản ánh về lừa đảo trên mạng

Số liệu cập nhật hằng tuần của Cục An toàn thông tin cho thấy mỗi tuần, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vận hành vẫn nhận được khoảng 300 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo.

Trong đó, nhiều nhất là các trường hợp giả mạo ngân hàng, các cơ quan có thẩm quyền, sàn thương mại điện tử...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm