Bạn đọc góp ý giải pháp hiệu quả hơn cuộc gọi định danh

(PLO)- Cuộc gọi định danh liệu có dẹp được nạn mạo danh lừa đảo? Bạn đọc góp ý một số giải pháp khác có thể sẽ khả thi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-10 vừa qua, Bộ TT&TT đã triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Ngoài ra còn cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Việc làm này nhằm phòng chống một số đối tượng sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo, tự xưng là Bộ TT&TT, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông… gọi điện cho người dân để thu thập thông tin, hù dọa, lừa đảo, từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân.

Tuy nhiên, một số bạn đọc cho rằng việc này không thể ngăn chặn các cuộc gọi rác, mạo danh lừa đảo vì cuộc gọi định danh không được áp dụng hết tất cả các số điện thoại.

4C51178B-5A73-401C-B2C8-FE89C7F142CC.jpeg
Cuộc gọi hiển thị tên định danh được Bộ TT&TT triển khai từ 27-10. Ảnh: HUỲNH THƠ

Nhân rộng mô hình

Một số bạn đọc cho rằng việc triển khai cuộc gọi hiển thị tên định danh là có khả thi nhưng cần phải được thực hiện đồng bộ và phải nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

“Lâu nay các nhà mạng, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội… đã bắt đầu sử dụng cuộc gọi, tin nhắn hiển thị tên định danh. Thế nhưng, các cuộc gọi rác, giả danh lừa đảo vẫn xuất hiện tràn lan, chúng nắm được thông tin của người dân từ đó đe doạ đủ thứ. Việc Bộ TT&TT triển khai phương án cuộc gọi định danh có lẽ sẽ hiệu quả khi triển khai toàn bộ. Các doanh nghiệp, cơ quan chức năng… tất cả đều phải dùng cuộc gọi định danh thì may ra tình trạng giả mạo gọi điện này mới chấm dứt”- bạn đọc Bảo Hân.

Tương tự bạn đọc Như Ý cũng cùng quan điểm: “Nếu cơ quan này dùng cuộc gọi định danh mà cơ quan khác không dùng thì bọn lừa đảo sẽ lợi dụng điều đó mà giả mạo cơ quan không dùng cuộc gọi định danh. Chúng gọi điện, thao túng tâm lý bắt nạn nhân phải chuyển tiền. Do đó, chúng ta cần phải nhân rộng mô hình cuộc gọi hiển thị định danh này, các cơ quan, doanh nghiệp thậm chí người dân, những người buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ cũng có thể thực hiện”.

“Bên cạnh cuộc gọi định danh, các cơ quan chức năng cần phối hợp để điều tra, truy tìm được những kẻ giả mạo lừa đảo để xử phạt thích đáng. Đồng thời, những số điện thoại có dấu hiệu sau khi được người dân thông báo thì cơ quan chức năng nên xem xét khoá vĩnh viễn”- bạn đọc Yến Thư.

“Vừa chuẩn hoá thông tin người dùng vừa sử dụng cuộc gọi, tin nhắn hiển thị tên định danh thì vấn đề không dẹp được cuộc gọi sim rác, cuộc gọi mạo danh lừa đảo nằm ở đâu? Người dân cần một câu trả lời” - bạn đọc Huỳnh Tâm.

Giải pháp khác

Một số bạn đọc khác lại cho rằng việc triển khai cuộc gọi hiển thị định danh sẽ không hiệu quả nếu sim rác vẫn tồn tại. Cách tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là loại bỏ sim rác.

“Bọn lừa đảo đã làm brandname tên ngân hàng để lừa rồi, thì chúng làm các tên khác đâu khó. Và những cuộc gọi bọn chúng dùng hiển thị tên gọi đến để quảng cáo, lừa đảo còn khó chặn hơn số bình thường. Tại sao không trị phần ngọn, dẹp bỏ sim rác là được rồi, cần gì phải suy nghĩ thêm nhiều giải pháp phức tạp” - bạn đọc Hải Nguyên.

Bạn đọc Nguyễn Phương ý kiến: “Đã chuẩn hoá thông tin rồi, sim ai cũng sử dụng chính chủ, vậy nên đơn giản nhất là hiển thị số gọi đến, tin nhắn đến kèm theo họ và tên, địa chỉ (theo đăng ký với nhà mạng). Như vậy sẽ hạn chế tối đa cuộc gọi rác và lừa đảo, chỉ sợ nhà mạng không làm”.

“Chúng ta có nên quay lại thời đầu năm 1990, khi có cuộc gọi đến tổng đài, nhân viên nắm thông tin (ai, ở đâu, cần gặp ai) rồi chuyển cho người mà bên gọi cần gặp. Thời trước còn làm được, thì bây giờ cũng có thể tiện ích gấp bội lần, chỉ có điều mình làm ở mức độ nào thôi” - bạn đọc Nguyễn Văn Long.

“Để không bị lừa đảo thông qua các cuộc gọi mạo danh, trước tiên cần tăng cường tuyên truyền đến toàn bộ người dân về thủ đoạn và cách phòng tránh bẫy lừa đảo mạo danh. Một khi người dân đã nắm rõ thì sẽ bị lừa, chỉ là bị phiền một chút khi bọn chúng gọi điện” - bạn đọc Tuấn Khải Huỳnh.

"Nói trắng ra sim rác mang đến lợi nhuận khủng, làm sao các nhà mạng có thể bỏ đi miếng mồi béo bở này. Nếu nhà mạng không làm thì Bộ TT&TT phải đứng ra xử lý nhà mạng. Cần phải loại bỏ sim rác thì người dùng mới tin tưởng nhà mạng, tin tưởng Bộ TT&TT, nếu Bộ không quyết liệt thì biết bao giờ nhà mạng mới bỏ sim rác. Hoặc nếu nhà mạng không làm, đến khi người dân bị lừa đảo, truy ra số điện thoại của đối tượng lừa đảo là sim rác, không chính chủ… thì phạt luôn cả nhà mạng” - bạn đọc Ngọc Hân.

“Nếu nhà mạng không làm, Bộ TT&TT không thể làm thì hy vọng các thương hiệu điện thoại có thể phát minh ra tính năng nhận diện sim rác. Chứ tình hình này thì khổ cho người dân, dùng điện thoại mà tối ngày bị làm phiền, chưa kể thấp thỏm lo sợ không biết chừng nào bị lừa” - bạn đọc Nguyễn Thị Bích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm