Ngày 23-7, báo Tiền Phong tổ chức hội thảo "Truyền thông và Thương hiệu doanh nghiệp thời đại số". Các tham luận, ý kiến tại hội thảo lo lắng về tình trạng xuất hiện tin xấu, tin giả xuất trên mạng xã hội... ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của thương hiệu của doanh nghiệp.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, khái quát truyền thông kỹ thuật số thời đại 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng gây ra không ít những thách thức.
Ông Sơn phân tích truyền thông kỹ thuật số đã tạo ra dòng thác thông tin với nhiều cơ hội, khiến chúng ta nắm bắt nhiều thông tin nhanh hơn, tiện lợi hơn nhưng vẫn có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, đã tạo ra thách thức cho nhiều doanh nghiệp.
Đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp tham dự hội thảo. Ảnh: P.ĐIỀN
Đồng thời một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có khi không phải vô tình mà là cố ý. Chưa hết, doanh nghiệp mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản chỉ trong thời gian ngắn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng tình trạng nhiễu loạn thông tin trên báo chí và mạng xã hội đã đặt ra cho các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên mạng xã hội phải có trách nhiệm "xử lý" tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Theo ông Lợi, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng được “chính thống hóa” trên báo chí không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp -"nạn nhân" của tin đồn.
Vậy trước tin đồn, doanh nghiệp ứng xử như thế nào? Ông Lợi cho rằng, trước hết DN cần minh bạch hóa thông tin. Cụ thể doanh nghiệp cần chủ động tự vệ bằng cách minh bạch hóa thông tin; phản ứng nhanh khi tin đồn xảy ra thông qua chiến lược truyền thông rõ ràng để giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông. Tuy nhiên để giải quyết tận gốc vấn đề do tin đồn gây ra, DN cần xây dựng mô hình quản lý, đối phó tốt với tin đồn và quản trị khủng hoảng truyền thông.
Những tin đồn thất thiệt bị “chính thống hóa” trên các tờ báo.
Ông Lợi lưu ý, khi gặp phải những tin đồn thất thiệt bị “chính thống hóa” trên các tờ báo, doanh nghiệp không nên tìm cách gỡ tin, bài ngay mà phải “bình tĩnh” tìm ra nguyên nhân của tin đồn, đánh giá mức độ có thể tác động bởi tin đồn. Nếu được, người đứng đầu doanh nghiệp hoặc người hiểu rõ nhất về tin đồn trong doanh nghiệp phải đứng ra giải thích cho công chúng, từ đó gây dựng niềm tin và hạn chế các tác hại gây ra.,…