DN kêu gọi hợp tác phát triển sàn giao dịch hàng hóa

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sự ra đời của các sở giao dịch hàng hóa phần nào giúp các doanh nghiệp (DN) biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng cà phê, cao su, thép theo từng chủng loại, từng tháng để chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.

Các sở giao dịch cũng đã xây dựng bộ tiêu chuẩn các mặt hàng cà phê, cao su thép phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp DN và nông dân định hướng sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thế giới.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các sở giao dịch này dần dần không đạt hiệu quả. Như trong sáu tháng đầu năm 2012, hoạt động giao dịch của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam chỉ đạt gần 894 tỉ đồng. Nguyên nhân theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, là do các sở giao dịch hàng hóa, trung tâm giao dịch phải tự tìm hiểu cách thức tổ chức xây dựng quy định, quy chế… nên việc phát triển thị trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, DN khó chủ động được nguồn hàng khi tham gia giao dịch qua sở này, ở Việt Nam có quá ít tổ chức thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản nên mức độ tiếp cận thông tin của nhà đầu tư lẫn thị trường còn hạn chế.

Hoạt động của các sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam hiện nay chỉ dừng lại ở việc tổ chức hoạt động giao dịch hàng hóa tương lai trong nước. Một số DN kiến nghị Nhà nước cho phép tìm kiếm đối tác để hợp tác, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực tổ chức sàn giao dịch quy mô khu vực, liên thông với các sàn giao dịch lớn của thế giới, kết nối được thị trường sản xuất xuất khẩu với thị trường tài chính và tiêu dùng.

Năm 2005, Luật Thương mại ra đời cùng với Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm