DN sôcôla đổ về Việt Nam

Những năm gần đây, hàng loạt doanh nghiệp (DN) nổi tiếng thế giới trong ngành công nghiệp chế biến sôcôla ở Bỉ, Hà Lan, Pháp… đã bất ngờ chọn Việt Nam là địa điểm để xây dựng nhà máy sôcôla cung cấp cho thị trường toàn cầu. 

Hút nhà đầu tư ngoại

Từ năm 2013, Tập đoàn Puratos Grandplace (Bỉ) đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến, lên men hạt cacao sản xuất sôcôla với công suất khoảng 3.000 tấn/năm tại Bình Dương. Trước đó, công ty sôcôla Bỉ với thương hiệu Belcholat cũng đang vận hành nhà máy sôcôla với công suất 500 tấn/năm chuyên sản xuất sôcôla cao cấp phục vụ cho thị trường Việt Nam và chủ yếu xuất khẩu châu Âu.

Ông Trịnh Văn Thành, đại diện Trung tâm Ca cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh đã có tới ba DN nước ngoài đầu tư vùng nguyên liệu phát triển ca cao để phục vụ cho các nhà máy chế biến sản phẩm sôcôla. Trong đó, Công ty Dobla châu Á - nhà sản xuất các vật liệu trang trí bằng sôcôla hàng đầu thế giới đến từ Hà Lan đã triển khai sản xuất hàng ngàn tấn sản phẩm sôcôla mỗi năm cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Các sản phẩm sôcôla “made in Viet Nam” của Dobla đã có mặt trong các cửa hàng bánh ngọt, khách sạn, nhà hàng tại các nước Hà Lan, Bỉ, Mỹ và ngay tại Việt Nam.

Chế biến sôcôla tại nhà máy của Tập đoàn Puratos GrandPlace Vietnam (Bỉ) ở Bình Dương. Ảnh: QH

Ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Tập đoàn Cargill (Mỹ) tại Việt Nam, cho rằng nguồn cung ca cao của thế giới không tăng, thậm chí giảm mạnh trong khi nhu cầu ca cao tăng 5%-7%/năm, mỗi năm ngành sản xuất sôcôla thiếu hơn 120.000 tấn hạt ca cao nguyên liệu. Các nước đứng đầu thế giới về sản xuất ca cao như Bờ Biển Ngà, Ghana… lại bất ổn chính trị, kinh tế khó khăn khiến sản lượng, chất lượng liên tục giảm. Đây chính là lý do vì sao các DN sôcôla lớn trên thế giới đổ dồn về Việt Nam - đất nước có nền kinh tế phát triển ổn định, thời tiết phù hợp phát triển ca cao để đầu tư.

Cũng theo ông Chánh Trương, một nguyên nhân nữa là thị trường tiêu thụ sôcôla mạnh nhất đang chuyển sang các nước châu Á, thay vì châu Âu, Mỹ như những năm trước đó. Cụ thể nhu cầu tiêu thụ sôcôla ở Ấn Độ tăng tới 20%/năm, Trung Quốc tăng 30%/năm. Chính vì vậy, các nhà sản xuất sôcôla thế giới đã chọn Việt Nam là vị trí tốt nhất để xây dựng nhà máy chế biến vì có tiềm năng phát triển nguyên liệu ca cao, lại có vị trí địa lý gần hai thị trường lớn Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, ca cao Việt được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil. Năm 2013, hạt ca cao Việt Nam được sản xuất ở Bến Tre đã nhận giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cơ hội phát triển cây ca cao

Với sự đầu tư mạnh vào Việt Nam của các nhà sản xuất sôcôla, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng đây chính là cơ hội cho ngành ca cao nước ta. Sự đổ bộ của các DN làm sôcôla đã khiến giá ca cao trong nước tăng mạnh. Nếu so với năm 2013 thì năm 2014 giá ca cao hạt khô đã tăng 20% lên mức 60.000-65.000 đồng/kg. Hiện các DN sôcôla nước ngoài đã xây dựng nhiều vùng nguyên liệu lớn hàng trăm hecta ca cao, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. So với các loại nông sản khác thì hạt ca cao giờ đây không còn phải lo đầu ra, lợi nhuận thu về cao hơn vì tốn ít chi phí chăm sóc.

Tuy nhiên, ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc phát triển ca cao Việt Nam (Công ty Mars Incorporated), lo ngại: “Thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là không đủ diện tích để phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất sôcôla. Phần lớn các nhà máy sôcôla tại Việt Nam đang nhập khẩu tới 90%-100% nguyên liệu từ các nước châu Phi. Nếu tính đến năm 2014, sản lượng ca cao nguyên liệu của cả nước chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn, so với 4 triệu tấn/năm của cả thế giới thì quá nhỏ. Nếu không có chính sách phát triển vùng ca cao nguyên liệu thì không khéo Việt Nam sẽ thành nơi gia công của ngành công nghiệp sôcôla”.

QUANG HUY

 

DN nội địa phải nâng chất

Tại Việt Nam cũng đã có nhiều DN nội địa sản xuất sôcôla nhưng chất lượng không được đánh giá cao vì hàm lượng ca cao quá ít chỉ toàn bơ, bột mì và dầu cọ, không hề có hương vị sôcôla. Chính cách làm chụp giật, không có kỹ thuật đã khiến DN trong nước mất dần thị phần vào tay các mặt hàng sôcôla ngoại nhập. Nhu cầu tiêu thụ sôcôla của người Việt ngày càng tăng, có DN nước ngoài chỉ đầu tư nhà máy để bán tại Việt Nam. Vì vậy, DN nước ta cần thay đổi cách làm và nên hợp tác với DN ngoại để khai thác tốt tiềm năng thị trường sôcôla nội địa.

Ông ĐINH HẢI LÂM, Giám đốc phát triển ca cao Việt Nam
(Công ty Mars Incorporated)

trước nhu cầu ca cao nguyên liệu ngày càng tăng từ các nhà máy sản xuất sôcôla, Bộ NN&PTNT đã có đề án hỗ trợ phát triển cây ca cao. Dự kiến tới năm 2015, Việt Nam sẽ trồng 33.500 ha ca cao, sản lượng hạt khô lên men 25.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 60-70 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đại diện Ban Điều phối ca cao Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm