Cởi trói cho Internet không chỉ bó hẹp trong nội dung số mà còn tác động đến tất cả ngành thương mại, dịch vụ. Đơn đặt hàng tiếp theo cho doanh nghiệp (DN) sẽ là thương mại dịch vụ, sản xuất thông minh...
Do vậy, DN Việt đang cần cơ chế ủng hộ từ cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho việc gia tăng nội lực để có thể cạnh tranh bình đẳng với DN nước ngoài.
Miếng bánh ngon vào tay doanh nghiệp ngoại
“10 năm nữa Internet vẫn là thứ tác động lớn với nền kinh tế Việt Nam, với khả năng tác động không chỉ 2%-3% GDP như bây giờ mà có thể lên đến 40%-50% GDP” - ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, nhận định như vậy tại tọa đàm “Internet - Nền tảng cho DN Việt hội nhập kinh tế số” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tròn 20 năm kể từ ngày Internet có mặt tại Việt Nam, tác động của nó đến đời sống, kinh tế, văn hóa... vẫn tăng lên từng ngày. Chỉ sau một thời gian, Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế.
Theo các chuyên gia, nhờ chính sách thông thoáng và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, Việt Nam đang là điểm đến tích cực của rất nhiều DN kinh doanh trên nền tảng Internet quốc tế. Trong đó phải kể đến những tên tuổi lớn như Google, Facebook, Alibaba, Uber, Grab, Netflix...
Sự hiện diện của những “ông lớn” này đã mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống xã hội Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần đón đầu các xu hướng mới về Smart City, Smart Solution, IoT, thanh toán điện tử… để đầu tư. Ảnh: PQ
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có sự bất tương đồng trong cán cân phát triển nội-ngoại trong môi trường kinh doanh Internet tại Việt Nam. “Nội dung số là lãnh địa quan trọng cuối cùng mà DN Việt còn giữ được với khả năng chiếm được khoảng 45%-50% thị phần. Những lĩnh vực quan trọng như search, email, mạng xã hội… về cơ bản chúng ta còn thị phần rất ít. Hiện nay duy nhất mảng DN Việt còn giữ được và đang mạnh là ứng dụng di động (OTT) với sự dẫn đầu của Zalo” - ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc điều hành VCCorp, nêu thực tế.
Phát biểu tại tọa đàm “Internet - Nền tảng cho DN Việt hội nhập kinh tế số” diễn ra mới đây tại TP.HCM, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh Internet là vấn đề tất yếu của cuộc sống và chúng ta không thể tách rời Internet trong cuộc sống hiện nay. Đó chính là lý do Chính phủ, Nhà nước có những chính sách cởi mở hơn và không cấm các DN của nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.
“Đáng tiếc, cùng với sự cởi mở này, hiện nay chúng ta đang có một chính sách gần như là bảo hộ ngược cho các DN nước ngoài. Tôi lấy ví dụ nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam lại được miễn phí, trong khi các DN nội địa như VNG hay VCCorp… đặt máy chủ trong nước thì lại phải thuê, lại còn bị quản lý chặt chẽ” - Bộ trưởng Tuấn nói.
Mở đường cho doanh nghiệp nội
Không quá bi quan khi nhìn về thị trường Internet, theo ông Lê Hồng Minh, những phần đã “mất” về tay DN quốc tế, chúng ta phải chấp nhận vì đó là câu chuyện của nội lực, của lịch sử. Trong điều kiện này, DN Việt phải nhìn sâu hơn về bản chất của những thách thức trong việc kinh doanh trên môi trường Internet. Bởi Internet ngoài khái niệm mở cửa, nó còn một khái niệm rất quan trọng đó là thay đổi mô hình kinh doanh.
Đơn cử như việc tranh cãi về chuyện đặt máy chủ ở Việt Nam. Việt Nam không thể nào cấm cửa các dịch vụ lớn của nước ngoài như Google, Facebook… mà phải chấp nhận. Tương tự, sự mạnh lên của taxi công nghệ khiến cho nhiều hãng taxi truyền thống đứng bên bờ vực phá sản nhưng nếu cấm cửa Uber hay Grab là không công bằng.
Nội dung số là mảng cực kỳ quan trọng. Liệu chúng ta có cơ hội không? Theo tôi là có. Bởi DN Việt có lợi thế địa phương mà DN xuyên biên giới nước ngoài không dễ dàng tiến vào được. Nhìn xa hơn, khi Internet mở xuyên biên giới, các nước vào mình được thì cũng có nghĩa ngược lại, chúng ta có thể tiến vào họ. Ông NGUYỄN THẾ TÂN, Giám đốc điều hành VCCorp |
“Không thể ngăn cản sự phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại. Vấn đề là DN Việt phải chủ động thay đổi, tìm cho mình giải pháp để thích ứng và phát triển cùng với điều kiện kinh doanh mới” - ông Minh chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu VNG, cách tốt nhất là DN Việt nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới có nhiều tiềm năng như thanh toán, Smart City, Smart Solutions, IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới.
Bên cạnh sự chủ động của DN nội, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những giải pháp hợp lý để hỗ trợ DN trong nước phát triển. “Quan điểm chúng tôi hiện nay là song song với việc mở cửa cho DN nước ngoài, chúng ta phải có những chính sách để tạo điều kiện cho các DN trong nước được cạnh tranh bình đẳng, công bằng với DN nước ngoài ngay trên sân nhà” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Để làm được điều này, rõ ràng Việt Nam cần một sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp và DN. Đặc biệt là các DN Việt cũng cần liên kết, liên minh với nhau mạnh hơn, cùng hướng tới những mục tiêu chung, cùng cất lên tiếng nói đến Chính phủ để tháo gỡ các vấn đề chính sách. Qua đó để có thể cạnh tranh với những “gã khổng lồ” như Google, Facebook, Alibaba, Uber, Grab... trên môi trường Internet ngay tại sân nhà.
Nếu cả ba phía đều cởi mở, chia sẻ, trao đổi, chắc chắn câu chuyện về Internet Việt Nam 5, 10 hay 20 năm nữa sẽ rất khác.
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, 98% thị phần công cụ tìm kiếm trong tay Google; 98% thị phần mạng xã hội thuộc về Facebook, YouTube; 95% thị phần email thuộc về Yahoo!, Gmail... Đó chính là lý do Facebook, YouTube hiện đang kiểm soát khoảng 80% thị phần quảng cáo tại Việt Nam, tương đương doanh thu hơn 350 triệu USD. Rõ ràng lợi ích kinh tế lớn nhất từ Internet hoàn toàn không có trong tay DN Việt mà ở trọn trong hầu bao của DN nước ngoài. |